6 món đặc sản trứ danh của vùng cao Tây Bắc thách thức thực khách

Tây Bắc từ lâu luôn là điểm đến quen thuộc của các tín đồ yêu du lịch Việt Nam. Không chỉ sở hữu thiên nhiên hoang sơ, núi rừng trùng điệp cùng những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hoặc, Tây Bắc còn cuốn hút du khách bởi ẩm thực vùng cao không lẫn với bất cứ vùng miền nào khác. Cùng khám phá 6 món đặc sản trứ danh của vùng cao Tây Bắc thách thức sự gan dạ của thực khách nhé.

 

Lá ngón xào tỏi

Loại lá ngón dùng trong món ăn này là lá ngón không độc, thường có hình tròn và ngắn, kích thước lá to gần bằng một bàn tay. Đây là một món ăn đặc trưng ở vùng Mường So (Lai Châu). Người dân địa phương tận dụng loại lá này để làm thành nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình. Kiểu truyền thống nhất là luộc hoặc nấu canh, nhưng hấp dẫn hơn cả chính là món lá ngón xào tỏi thường dùng để tiếp đãi thực khách. Tuy nhiên, loại lá ngón dùng trong món ăn Tây Bắc này là loại không có độc. Lá ngón sau khi rửa sạch sẽ được xé nhỏ và vò sơ. Trên chiếc chảo đang nóng dầu, cho lá vào xào cùng tỏi rồi nêm nếm gia vị thật vừa miệng. Đĩa lá ngón sau khi xào xong dậy lên mùi thơm hấp dẫn, có vị chan chát, bùi bùi, nhưng đọng lại đầu lưỡi là vị ngọt và thoảng mùi thơm dịu nhẹ. Tuy thơm ngon nhưng cứ nghe đến hai chữ "lá ngón" thì thực khách nào cũng "chạy 8 hướng" không dám thử! Món ăn này có vị chan chát, bùi bùi nhưng cũng đọng lại chút vị ngọt ở đầu lưỡi cùng mùi thơm nhẹ.

Rêu hầm xương

Nhắc đến rêu, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến sự ẩm mốc, rêu phong, những thứ không được sạch sẽ cho lắm! Tuy nhiên phải thật khâm phục người dân Tây Bắc khi lại đem được nguyên liệu này biến thành một món ăn đặc trưng của vùng cao. Rêu mang đi nấu phải là những đám rêu to, non xanh (khoảng 3 - 4 ngày tuổi). Người Tây Bắc thường thưởng thức bát canh rêu hầm xương bốc khói nghi ngút vào những lúc trời lạnh. Người ta thường hầm rêu nón với xương lợn hoặc gà, hoặc có thể dùng rêu làm nộm, gỏi, nướng,…Khi ăn canh rêu hầm xương, nước dùng rất thanh và ngọt. Tuy nhiên dám chắc rằng chẳng ai dám thử thứ nguyên liệu độc đáo này ngay từ lần đầu chạm mắt!

Thắng cố

Thắng cố là đặc sản của người Mông có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc), thường được nấu và chế biến bởi người dân bản làng trong các lễ hội, chợ phiên đông người. Nguyên liệu chủ yếu của món ăn "khó nuốt" này là từ nội tạng của loài ngựa như tim, gan, tiết, lòng, thịt,… kết hợp cùng nhiều loại gia vị đặc trưng như quế chi, sả, thảo quả, lá chanh, gừng,… và cây thắng cố. Tên món ăn này đọc chuẩn theo âm Hán Việt là "thang cốt", có nghĩa là "canh xương". Khi nấu, người dân địa phương thường cho tất cả nguyên liệu vào một cái chảo lớn và cũ (không được dùng chảo mới), sau đó xào lên bằng chính mỡ loài ngựa rồi đổ nước vào, cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ. Khi nấu chín, thắng cố sẽ có một mùi nồng riêng biệt và màu sệt, rất khó ăn nếu bạn lần đầu tiên trải nghiệm. Khi dùng, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, có thể dùng kèm rau bạc hà, rau thơm và rượu ngô. Ngày nay, thành phần gia vị của món đặc sản này bị nhiều nhà hàng cũng như quán ăn thay đổi, khiến hương vị thắng cố trở nên khác biệt rõ rệt.

Da trâu thối

Món này còn có tên gọi khác là "năng min", một đặc sản của dân tộc Thái. Da của con trâu được cắt và lọc ra, còn giữ nguyên phần lông. Sau đó, người ta sẽ cho vào cuốn lá chuối, ủ trong khoảng hai ngày. Mùa hè với thời tiết nóng là điều kiện thuận lợi nhất để chế biến món này, vì nhiệt độ cao sẽ làm cho da trâu nhanh "thối" hơn. Khi mùa đông đến, người ta phải ủ thêm nhiều ngày hơn mới có thể chế biến. Sau khi quá trình ủ hoàn thiện, lông ở da sẽ tự rụng và được mang đi nấu những món như canh da trâu, hay da trâu nướng. Chưa nói đến việc ăn thử, chỉ nghe đến cái tên "kinh dị" và ngửi mùi của món ăn này, bạn sẽ phải suy nghĩ lại đó nha!

Nòng nọc om măng

Mấy ai ngờ rằng con của loài ếch cũng có thể được người Tây Bắc chế biến thành một món đặc sản rùng rợn! Nòng nọc sau khi được bắt về và rửa sạch, người ta sẽ dùng dao để lấy phần ruột ra rồi mang chế biến bằng cách nấu canh, xào sả ớt, nướng,… Nhưng nổi tiếng nhất là món nòng nọc om măng. Nguyên liệu sử dụng cho món ăn "kinh dị" này là măng rừng tươi, nòng nọc bắt sống, mẻ, hành lá được cho vào theo đúng thứ tự rồi xào chung. Mới nghe thì có vẻ ngon lành, nhưng có lẽ nhiều người mới nghe đến nòng nọc thôi đã chẳng dám liều để thưởng thức món này nữa. Ai mà ngờ những con nòng nọc bé tí thế này cũng có thể lên bàn ăn của người dân Tây Bắc cơ chứ!

Nậm pịa

Nậm pịa (nặm pịa) là đặc sản của người Thái, thường xuất hiện trong những bữa tiệc đãi khách của người dân vùng cao. "Nậm" hay "nặm" trong tiếng Thái có nghĩa là canh, "pịa" là thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò gồm dịch tiêu hóa và thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn, cho nên có người còn gọi đó là "phân non". "Nậm pịa", hiểu nôm na là món ăn được làm từ phần nội tạng của các loài động vật ăn cỏ, đặc biệt nhất là phần "pịa" (phân non). Nguyên liệu chính của nậm pịa là nội tạng các loài động vật ăn cỏ như bò, dê. Tất cả bộ phận được nấu hầm thật nhừ, và đặc biệt không thể thiếu phần "pịa" trứ danh. Đây không phải là một món dễ nuốt cho lắm, vì nó có vị đắng của lòng và "pịa", mùi lại khá khó ngửi. Tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng. Nhưng trước khi nuốt xuống họng thì quả là thử thách với hương vị của "phân non" bạn nhỉ?

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới