Đa dạng sắc màu trong ẩm thực người Indonesia

Được mệnh danh "nhìn là thèm, ăn là mê", ẩm thực Indonesia là trải nghiệm không thể quên đối với mọi du khách. Từ những món mì với nước dùng đậm đà, cà ri cay nồng, cá bọc lá chuối tới các món rau trộn độc đáo, ẩm thực tại “đất nước vạn đảo” đem lại cho du khách một trải nghiệm ẩm thực khó quên.

 

Thịt xiên Satay

Satay là món ăn du khách có thể bắt gặp bất cứ đâu trên đất nước Indonesia. Thịt dùng trong món này thường là thịt bò hoặc thịt gà. Thịt được ướp các gia vị như sả, riềng, muối, đường… rồi nướng trên bếp than hồng. Que thịt xiên satay khi nướng xong có màu vàng nâu, miếng thịt ánh màu mỡ thơm phức. Ăn kèm thịt xiên satay là hành tây cắt miếng vuông và dưa leo. Món thịt xiên satay sẽ không trọn vẹn nếu thiếu nước chấm làm từ đậu phộng.

Sate Lilit

Sate Lilit là món ăn khá giống với nem lụi của Việt Nam, tuy nhiên Sate Lilit lại có nhiều điểm khác biệt trong cách chọn nguyên liệu và chế biến. Cá và tôm đã bóc vỏ và rút xương sẽ được xay nhuyễn và ướp với các gia vị như muối, ớt, rau thơm, nước cốt dừa, sau đó bọc vào thân sả và đem nướng. Người dân ở Indonesia không dùng than hồng để nướng xiên mà lại dùng xác cây dừa. Có lẽ vì vậy mà Sate Lilit lại có mùi vị đặc trưng không nơi nào có được như vậy.

Rendang

Rendang là một món ăn có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc Minangkabau của Indonesia. Món rendang đôi khi được mô tả giống như món cà-ri. Nhưng qua xác thực, rendang không có gì giống như món cà-ri. Rendang thường được làm từ thịt bò nấu chín từ từ với nước dừa và gia vị trong vài giờ cho đến khi tất cả chín mềm hoà vào nhau tạo nên độ sánh cần thiết. Các gia vị có thể bao gồm gừng, hành tây, riềng, lá nghệ, cỏ chanh và ớt. Ngày này, món rendang đã có sự cải biến, khi thịt gà hoặc thịt vịt đã được sử dụng thay thế cho thịt bò.

Mì xào Java

Mì xào Java là món ăn ưa thích của người dân Indonesia. Người bình dân có thể chọn những món mì vừa ăn, hợp khẩu vị. Trong khi đó, các nhà hàng cao cấp sẽ phục vụ các món mì xào đặc biệt. Nhìn chung các món mì được làm bằng các loại ngũ cốc được trồng ở Indonesia như gạo, nếp, đậu xanh, đậu nành… Sợi mì mềm dai vừa ăn, thấm đậm hương vị của các gia vị xào kèm với các loại rau củ quả đặc trưng. Du khách dùng mì xào nên ăn kèm với bát nước chấm nhà hàng đã chuẩn bị cho, như thế mới thưởng thức được trọn vẹn tinh túy của món ăn.

Cách thưởng thức ẩm thực

Người Indonesia có thói quen ăn bằng tay, chính vì vậy thức ăn được cắt nhỏ thành miếng vừa miệng để mọi người dễ dàng hơn khi thưởng thức. Thìa và dĩa cũng được sử dụng khá phổ biến ở quốc gia này. Khi làm cơm tiếp khách, người dân Indonesia chế biến những món ăn theo một cách rất đặc biệt, thức ăn được bày trên một chiếc mâm lớn đặt ở giữa nhà. Theo tục lệ, nếu được mời dùng một bữa cơm như thế, du khách không nên ăn hết mà mỗi món ăn nên chừa lại một ít để chứng tỏ là mình đã rất no và bữa cơm vô cùng ngon miệng.

Babi Guling

Babi Guling là một món ăn truyền thống của Bali. Món ăn được làm từ thịt heo sữa quay và gạo, tẩm ướp bằng một hỗn hợp các loại gia vị băm nhỏ bao gồm hành tây, tỏi, gừng, nghệ, hạt tiêu, rau thơm, riềng, ớt, sả… trước khi đem quay trên một ngọn lửa lớn trong vòng 5 giờ đồng hồ. Heo sữa được liên tục quay chậm để đảm bảo thịt chín mềm và hấp dẫn.

Dấu ấn của gia vị

Thật vậy, sự đa dạng không chỉ ở cách thức chế biến món ăn mà còn ở cách thức thưởng thức món ăn của Indonesia. Gia vị là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc chế biến thức ăn. Thậm chí, ở Indonesia, gia vị có thể góp phần sáng tạo ra các món ăn mới với những mùi vị đặc trưng. Bên cạnh những loại gia vị tiêu biểu như đinh hương, vỏ nhục đậu khấu, dầu lạc…, người dân Indonesia còn thích sử dụng những loại gia vị được chế biến từ thảo mộc tươi như rau húng, cỏ chanh… Ớt và tiêu đỏ là những lọai gia vị chính, có mặt trong tất cả các món ăn, vì thế các món ăn của Indonesia có vị cay xé lưỡi. Đây là vị cay của ớt chứ không phải vị cay nồng của tiêu như trong các món Ấn Độ. Thông thường, các món ăn đều dùng chung với sambal - một loại nước sốt được làm từ ớt tươi, vị mặn - có công dụng như nước tương hoặc nước mắm ở Việt Nam để món ăn thêm đậm đà. Sốt sambal có nhiều cách làm khác nhau vì trong các gia đình Indonesia, con gái lớn lên luôn được mẹ truyền lại cách làm món sambal theo truyền thống riêng của gia đình.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới