Đi trốn ở những ốc đảo thần tiên giữa lòng sa mạc

Trên thế giới vẫn còn biết bao cảnh quan tự nhiên độc đáo đang chờ du khách đến khám phá. Đi “trốn” ở những ốc đảo thần tiên giữa lòng sa mạc dưới đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh những hồ nước trong xanh, cồn cát, khu rừng xanh hấp dẫn trước mắt.

Ảnh: Oops I Booked Again

Quần thể hồ Ounianga, sa mạc Sahara

Quần thể này gồm có 18 hồ kết nối với nhau, tạo nên một cảnh quan hồ nước tự nhiên đặc biệt có hình dạng, màu sắc tuyệt đẹp nằm ở trung tâm của sa mạc Sahara. Dù hình thành ở một địa phương khô cằn nhưng các hồ nước thơ mộng vẫn chứa đầy nước. Quần thể hồ Ounianga bao gồm các hồ nước mặn và ngọt nằm cách xa nhau 40 km. Năm 2012, quần thể này đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Hệ thống các hồ nước của Ounianga có niên đại cách đây 10.000 năm. Nguồn nước được cung cấp bởi các mạch nước ngầm khiến nó là hệ thống hồ duy nhất trên thế giới có nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá cây, đỏ nhạt do thành phần hóa học trong mỗi hồ tạo nên). Kết hợp với các thảm thực vật nổi, những gợn sóng lăn tăn khi có gió tạo thành một không gian xanh vô cùng ấn tượng.

Waw an Namus, Libya

Ốc đảo Waw an Namus nằm ở một trong những vùng xa xôi và hẻo lánh nhất của sa mạc Sahara. Thực tế đây là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động, với nền tro nham thạch đen, xám nổi bật trên màu cát vàng của sa mạc. Dù trông có vẻ khô cằn đến thế nhưng bao quanh Waw an Namus cũng có những hồ nước xanh nhỏ xinh cùng cây cối. Bởi thu hút rất nhiều muỗi nên đảo mới có tên là “Waw an Namus”, nghĩa là “ốc đảo muỗi”. Nơi đây có một hồ nước ngọt rất gần và nằm ở cùng một độ cao với một hồ nước mặn. Nếu bạn muốn “trốn” ở những ốc đảo thần tiên giữa lòng sa mạc thì có thể đến Waw an Namus để nghỉ ngơi dưới những tán dừa, thưởng thức nước mát trong những hồ nước xanh bên đụn cát lớn.

Hồ Turkana, Kenya

Turkana nằm ở phía bắc thung lũng Great Rift của Kenya, trên sa mạc lớn nhất thế giới. Hồ là đầu mối đổ về của ba con sông: sông Omo ở Ethiopia, sông Turkwel và Kerio và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1990. Chắc chắn đây là địa điểm rất thích hợp cho những bạn muốn đi trốn ở những ốc đảo thần tiên giữa lòng sa mạc. Dù có là hồ sa mạc và hồ kiềm lớn nhất thế giới thì nơi đây vẫn có những bãi biển cát trắng và con sóng vỗ bờ. Người địa phương vẫn thường gọi hồ là biển Jade bởi sắc xanh ngọc tuyệt đẹp phản chiếu. Hồ được bao quanh bởi những vùng đất khô cằn, như không có sự sống. Nhưng trong hồ lại chứa sức sống mãnh liệt của muôn loài. Đây là vùng hồ có số lượng loài cá sấu sông Nile, hà mã, hàng trăm loài chim và các loài cá lớn nhất thế giới.

Ốc đảo Huacachina, Peru

Ảnh: sparc / Shutterstock Là một thị trấn có những khu rừng cọ xinh xắn, hồ nước trong xanh và những cồn cát ngút tầm mắt. Chỉ có mỗi ốc đảo Huacachina sở hữu bãi cỏ xanh trải dài hàng trăm nghìn km nằm gọn trong lòng sa mạc. Khung cảnh hồ nước thơ mộng và yên bình như tương phản hẳn với sa mạc cằn cỗi xung quanh. Hiện dân cư trên ốc đảo có khoảng 100 người. Đây là điểm đến du lịch hấp dẫn, mang lại nhiều cảm nhận lý thú cho du khách giữa lòng sa mạc. Theo truyền thuyết cổ xưa, hồ nước chính tạo nên Huacachina từng là hồ tắm của một nàng công chúa. Một ngày nọ khi nàng đang trầm mình dưới hồ thì bị một chàng thợ săn phát hiện. Sau khi sợ hãi bỏ chạy, những dấu chân của nàng đã tạo thành các cồn cát bao bọc Hucachina ngày nay.

Ốc đảo Guelta d'Archei, sa mạc Sahara

Guelta d'Archei là một ốc đảo tuyệt đẹp, hay chính xác hơn là một Guelta (một dạng vùng đất ngập nước đặc biệt), nằm ẩn sau những vách đá sa thạch cao chót vót đặc trưng của Sahara. Các vùng nước tràn lên bề mặt hình thành nên những ao nước, hồ chứa được vách đá che chắn. Hàng ngày có đến hàng trăm con lạc đà được dồn đến đây bởi các đoàn lữ hành để chúng được nghỉ ngơi, uống nước. Chính bởi hàng nghìn con lạc đà dầm mình trong hồ mà nước của khu vực này đã chuyển thành màu đen. Ngoài ra các vũng nước màu đen của Guelta d'Archei còn là nơi trú ẩn của loài cá sấu sông Nile nổi danh. Cá sấu ăn các loài cá và tảo biển phát triển mạnh trong nước do hấp thụ chất thải của lạc đà.

Nguồn: Tổng hợp.

Bài khác

Bài viết mới