Đi trọn thế gian thưởng thức các món phở lạ

Phở là món ăn bình dân và quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi vùng khác nhau, người dân nơi đây lại biến tấu ra nhiều hương vị phở khác nhau, mang nét đặc trưng rất riêng cho từng vùng miền.

 

Phở nghêu

Phở nghêu là món phở kiểu Singapore với nước dùng là hải sản hầm. Có hai loại phở chính, một dùng loại nước trong và một dùng loại nước chua cay sa tế. Về hình thức, ngoài những sợi bánh phở, những thành phần còn lại của phở nghêu nhất là nước dùng sa tế với vị cay cay, chua chua, cùng vị béo ngọt của nước cốt dừa và bùi bùi của đậu phộng rang hợp với bún, với mì hơn.

Phở bò Kobe

Ở Hà Nội, phở bò Kobe được biết đến với danh hiệu là món phở đắt nhất thủ đô. Với chi phí gấp nhiều lần các bát phở truyền thống, nhưng món phở này vẫn thu hút một lượng thực khách không nhỏ. Phở tại đây có giá 450.000 – 650.000 đồng/bát, đắt hơn khoảng 20 lần một bát phở thông thường, thịt bò được chế biến từ thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Tùy thời gian nuôi, chế độ khi nuôi mà giá thành một bát phở lại khác nhau. Công đoạn chế biến tạo nên món ăn xa xỉ này cũng rất “khó tính”, từ việc chọn nhập thịt đến việc chế biến nước dùng. Đặc biệt, nước dùng món phở này được xem là bí quyết riêng làm nên thương hiệu riêng của các mỗi nhà hàng, khách sạn. Do vậy, rất khó để người tiêu dùng có thể làm nên một bát phở Kobe thành công tại nhà dù cũng mua được thịt chính hiệu từ Nhật Bản.

Phở đà điểu

Về màu sắc, thịt đà điểu không khác với thịt bò nên khi dọn ra bàn rất khó để nhận biết. Nhưng khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được độ mềm, ngọt, không dai cùng mùi là lạ khiến bạn không thể dừng việc nhấm nháp thêm miếng nữa để cảm nhận rõ hơn hương và vị. Đi kèm loại thịt ngon, lạ đó là nước dùng có vị ngọt thanh, với hương thơm thoang thoảng và cũng lạ do được hầm bằng xương đà điểu.

Phở sắn cá ngừ

Phở sắn (khoai mì) cá ngừ là đặc sản của vùng đất Quế Sơn, Quảng Nam. Đây là món ăn gắn với cuộc sống nông - ngư nghiệp của người dân nơi đây. Về phần bánh phở, củ sắn sau khi thu hoạch, ngâm nước rồi ép thành những vỉ hình bánh sợi rồi mang đi phơi khô. Bánh phở sắn có màu trắng đục, trước khi ăn phải ngâm qua nước lạnh khoảng 10 phút để sợi phở sắn mềm, dẻo. Về phần nước dùng, cá ngừ sau khi được đánh bắt, nấu cùng cà chua, hành lá, nêm thêm một chút ớt cho có vị cay là đã có món nước dùng tuyệt hảo cho món phở. Đặc biệt, một phụ liệu không thể thiếu của món phở sắn cá ngừ là bánh tráng gạo nướng.

Phở chua

Phở chua gắn liền với hai địa danh là Lạng Sơn và Cao Bằng. Đây được coi là món ăn chữa ngán cho những ai “thừa” thịt thà, dầu mỡ. Nếu các món phở khác hấp dẫn với nước dùng thơm lừng, nóng hổi thì yếu tố quyết định của phở chua là nước sốt được tổng hoà từ ớt, cà chua, đường, nước mắm, gừng và dấm đường, một loại dấm được làm từ quả chuối tây chín của Lạng Sơn. Một điểm đặc biệt về hình thức trình bày của món phở này là các thành phần có “giá trị” nhất của bát phở lại ẩn dưới màu đỏ của tương ớt, vàng ươm của đậu phộng, xanh ngát của rau thơm chứ không “lộ thiên” như những món phở khác.

Phở trà

Thực ra đây là tên gọi khác của món phở chay. Điều đặc biệt nhất của món phở này là ở phần nước dùng. Khác hẳn loại nước dùng bình thường đậm đà béo ngậy, nước phở trà vẫn thơm nồng mùi quế chi, hoa hồi, thảo quả, vẫn ngọt vị nhưng cái ngọt này dường như thanh khiết, nhẹ nhàng hơn.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới