Điểm danh 4 làng nghề truyền thống nổi tiếng ở miền Tây

Miền Tây không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, các vườn cây trái sai trĩu quả, những con sông dài đầy ấp cá tôm mà còn có những làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt.

 

Làng nghề tủ thờ Gò Công

Mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công, có lẽ hình ảnh gợi nhớ nhất trong tâm tưởng nhiều người là những chiếc tủ thờ, sản phẩm mang đậm nét văn hóa, thể hiện sự hiếu nghĩa trong thờ cúng tổ tiên của nhiều gia đình người Việt. Theo truyền tụng, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, tại vùng đất Gò Công đã xuất hiện nhóm bốn anh em ông Vương Văn Non từ miền Bắc về đây lập nghiệp. Trong hành trang mang theo của các ông, đáng chú ý nhất là chiếc tủ thờ gia tiên kiểu hai trụ và vốn lận lưng là nghề thợ mộc. Cả bốn anh em ông Non đã phát triển nghề đóng tủ thờ và truyền nghề cho bà con quanh vùng. Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít, đặc biệt nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời cũng chỉ là loại gỗ xà cừ rất dân dã, vậy mà qua bàn tay tài khéo của những người thợ Gò Công, những tấm gỗ xà cừ đã lên nước, kết hợp với những màu trai hay xà cừ tạo nên vẻ đẹp huyền bí, lung linh… Khác với tủ thờ Bắc không có trụ, tủ thờ Gò Công nhờ có trụ nên trông chỉnh chu và chửng chạc hơn. Theo quy ước, một chiếc tủ gồm 4 phần: khuôn tộ, khuôn cửa tiền, chân qùy và cây chỉ đắp (thường gọi là trụ). Thoạt đầu, những chiếc tủ thờ mang kích thước khá khiêm tốn với chỉ ba trụ đứng. Theo thời gian, chiếc tủ thờ đã ngày càng “hoành tráng” với 19, 21, 29 trụ, thậm chí đến 30 trụ như chiếc tủ do lão nghệ nhân Ba Đức thực hiện vào cuối năm 2013 với giá 750 triệu theo đặt hàng của một vị khách ở Củ Chi. Với tiếng tăm và uy tín của mình, tủ thờ Gò Công ngày nay đã có mặt khắp từ Nam chí Bắc và ra cả nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt định cư. Với những nét thẩm mỹ mang sắc thái Việt cổ cùng những mảnh ghép bằng vỏ trai, xà cừ tinh tế rất gần gũi với văn hóa Á Đông, chiếc tủ thờ Gò Công đã làm nổi bật nét đẹp văn hóa thờ cúng đặc sắc của dân tộc Việt.

Làng nghề dệt chiếu Cà Mau

Nếu ở đâu đó trên đất nước này, đã có những làng nghề thủ công truyền thống như điêu khắc, chạm trổ hay đúc đồng với những sản phẩm mang nhiều nét tuyệt kỷ, đem đến niềm tự hào cho người dân địa phương, thì tại vùng đất địa đầu heo hút này, đã tồn tại những làng nghề đan dệt chiếu như Tân Thành, Tân Duyệt, Tân Lộc… nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh từ lâu đời, trước cả khi bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” xuất hiện. Với nguyên liệu chính là lác và bố, những người thợ dệt chiếu phải chọn những cọng lác bóng mượt, đều nhau và dài gần 2m, kết hợp với những cọng trăn se mịn từ vỏ cây bố để làm nên những đôi chiếu đẹp. Nhưng quan trọng nhất chính là khâu “lẫy” chữ, bông hoa hoặc hoa văn. Người thợ dệt chiếu phải kỳ công chọn từng cọng lác có màu sắc thích hợp để sau khi “lẫy” xong, trên mặt chiếu hiện lên một bức tranh hoàn mỹ với nhiều biến tấu, có thể đó là những bông hoa rực rỡ cho đôi chiếu trải trên bộ ván gõ dùng bày biện thức ăn trong các dịp giỗ, Tết, hoặc chữ “Trăm năm Hạnh phúc”, “song hỷ” cho đôi chiếu làm quà tặng trong những dịp cưới xin… Để duy trì nét đẹp truyền thống của làng nghề, những bà mẹ làng chiếu thường tỉ mẫn truyền lại cho con gái nghệ thuật dệt chiếu “lẫy” như một kế mưu sinh dự phòng.

Làng nghề đóng ghe xuồng “năm quăng”

Với việc tồn tại trên 30 năm, làng nghề ghe xuồng “năm quăng” ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã khẳng định rõ ưu thế trên thương trường. Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thanh niên nông thôn, làng nghề còn tạo điều kiện cho người dân nghèo vùng lũ có phương tiện đi lại và mưu sinh trong mùa nước nổi. Thoạt đầu “năm quăng” chỉ là một lời bông đùa, một lối đánh giá hời hợt theo cách nói bộc trực của người miền Tây, ám chỉ loại sản phẩm sử dụng được một năm rồi quăng bỏ. Thật vậy, đây là loại ghe xuồng giá bèo được hình thành từ những loại gỗ tạp và tận dụng, có thời gian sử dụng ngắn nhưng điều quan trọng là đáp ứng được túi tiền eo hẹp của người nghèo, giúp họ có phương tiện sinh nhai qua ngày bằng nghề câu lợp và sống chung với lũ. Đặc điểm của xuồng “năm quăng” là rất gọn nhẹ do được đóng bằng ván xẻ chỉ dày từ 1 – 1,2cm. Nguyên liệu chính là các loại gỗ tạp như xoài, bạch đàn, gáo, sầu riêng, còng, dừa… khai thác từ khả năng thải loại của các nhà vườn như tái quy hoạch sản xuất, thay cây lão, đổi cây tạp, bỏ giống cũ… với nguồn cung cấp khá dồi dào từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… Vì vậy tuy mỗi năm làng nghề sử dụng đến hàng ngàn khối gỗ nhưng không xảy ra tình trạng khai thác tàn phá rừng hay nhập lậu cây ngoại. Khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường, nó đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình không chỉ của người nghèo mà còn cả những người có tiền của như trại chủ các vuông tôm, gia đình đông người muốn có nhiều phương tiện để mọi người có thể chung tay tiếp sức câu lưới, bắt cá hoặc thuận tiện trong sinh hoạt.

Làng nghề trồng hoa Tết Tân Qui Đông

Từ lâu nghề trồng hoa kiểng trên thế giới đã được xếp vào loại nghệ thuật độc đáo mang nhiều tính nhân văn, một nỗ lực bổ sung nhằm tái tạo phần nào thiên nhiên bị con người tàn phá. Tại miền Nam Việt Nam ngay từ những năm 1930, khi nhắc đến khái niệm “văn minh miệt vườn”, nhiều người đã biết liên hệ đến nghệ thuật trồng hoa kiểng của miệt Tân Qui Đông như một hình thái độc đáo của nền văn minh sông nước với thương hiệu “Sa Đéc” đi đến đâu cũng được đón nhận cách trọng thị. Nguyên làng hoa được hình thành trên địa bàn xã Tân Qui Đông từ những năm đầu thế kỷ XX. Thoạt đầu, một vài hộ nơi đây trồng hoa chỉ để trang trí và biếu tặng nhau trong những dịp tết đến Xuân về. Dần dần, số hộ trồng hoa đã tăng lên và mục đích kinh doanh cũng được xác định. Cho đến nay, số hộ trồng hoa đã phát triển đến hàng ngàn, trong đó có hơn 1.500 hộ trồng chuyên nghiệp với hơn 1.000 chủng loại hoa kiểng khác nhau và địa bàn trồng hoa cũng lan rộng ra các khóm Sa Nhiên, Tân Qui Tây, Tân Khánh Đông, phường 3 (thị xã Sa Đéc), xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò… được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống. Điểm đặc biệt so với những nơi khác, hoa ở Tân Qui Đông được đặt trên những giàn cao để tận dụng nguồn nước lên từ những con rạch nhỏ. Theo giải thích của một chủ vựa hoa, do hoa Tết phải xuống giống từ giữa năm, lúc đang vào mùa nước nổi nên nhà vườn phải lập giàn để đưa hoa lên cao. Lâu rồi thành lệ, những giống hoa gieo vào vụ tiếp sau cũng được cho lên giàn. Tân Qui Đông không chỉ được biết đến về hoa mà còn rất nổi tiếng bởi các loài cây kiểng, trong đó có Vạn niên Tùng là loại cây thời thượng được giới nhà vườn dí dỏm xếp vào hàng “đại đế” của các loài hoa kiểng ở đất phương Nam.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới