Du lịch Côn Đảo 30/4, tìm về vùng đất thiêng

Côn Đảo sở hữu thiên nhiên hoang dã, những bãi biển trong vắt, cát trắng mịn làm say lòng du khách khắp nơi khi đặt chân đến. Ngoài ra, nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc thể hiện tinh thần đấu tranh ngoan cường của những người con đất Việt tại chốn địa ngục trần gian thuở xưa.

 Về với Côn Đảo, bạn sẽ không thể bỏ qua những điểm đến xinh đẹp sau

Khu nhà tù Côn Đảo

Đây chính là một bằng chứng hùng hồn nhất về một địa ngục trần gian mà Pháp, Mỹ đã tạo ra để đàn áp những người con yêu nước trên dải đất hình chữ S. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù… Địa điểm nổi tiếng nhất ở đây là Chuồng cọp - khu biệt giam khắc nghiệt nhất. Tù nhân ở đây bị giam trong những căn phòng chỉ rộng 5m², không có giường nằm. Người tù bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn để hỏi cung. Ngày nay đặt chân đến đây, bất cứ ai cũng không khỏi hồi bồi xúc động và càng thêm cảm phục thêm cho tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ anh hùng ngày xưa.

Vườn quốc gia Côn Đảo

Khuôn viên vườn quốc gia Côn Đảo gồm gần 6,000ha diên tích trên cạn và 14,000ha diên tích dưới nước. Tại đây bảo tồn hơn 882 loài thực vật cùng 144 loài động vật. Trông đó có khá nhiều loài đặc hữu quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng như: lát hoa (Chukrasia tabularis), găng néo (Manikara hexandra), sóc mun (Callosciunis finlaysonii), sóc đen (Ratufa bicolor condorensis), chuột hươu Côn Đảo,… Đặc biệt, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến 4 bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị với đa dạng các loại hình như câu cá, lặn, xe đạp, đi bộ hay ngắm cảnh thiên nhiên.

Chợ Côn Đảo

Chợ Côn Đảo họp mỗi ngày 2 phiên, buổi sáng chợ diễn ra rất sớm từ 5 giờ đến 10 giờ và chiều từ 4 giờ đến sẩm tối. Tại đây bày bán hầu như tất cả mọi thứ, đặc biệt là các loại hải sản. Buổi sáng, bạn có thể ra khu vực chợ Côn Đảo, nơi những người đánh bắt cá vừa cập bến tàu và mua những loại hải sản tươi rói với giá rất hợp lý cũng như thưởng thức hương vị ngon ngọt tuyệt vời của chúng ngay tại chỗ.

Bãi Đầm Trầu

Cách sân bay Cỏ Ống 12 km về phía Tây Bắc, bãi Đầm Trầu được xem là bãi biển đẹp nhất Côn Đảo với bờ cát trắng xốp mịn trải dài, rừng nguyên sinh với cây cối xanh tươi và những vách đá cheo leo kì vĩ. Giữa không gian bao la của bầu trời và biển cả mênh mông, hòn đảo sừng sững nổi trên mặt nước như một ốc đảo xanh hoang sơ diệu kỳ. Ngoài ra, nơi này còn sở hữu những vách đá được tạo hình độc đáo. Nổi bật nhất chính là hai tảng đá lớn chụm đầu vào nhau tựa như đôi chim hải âu đang quấn quýt gắn liền với câu chuyện tình yêu đầy xót xa thuở xa xưa. Đến bãi Đầm Trầu, du khách ngoài việc thoải mái tắm mình trong dòng nước biển trong vắt, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ bjan có có thể trải nghiệm lặn ngắm san hô, khám phá đại dương xanh thẳm bên dưới.

Miếu bà Phi Yến

Miếu bà Phi Yến hay còn được gọi là An Sơn Miếu, là một ngôi miếu cổ được xây từ năm 1785, (sau đó được xây dựng lại vào năm 1958) để thờ bà Phi Yến - vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh. Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước này. Sau khi bà mất, nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc bà và đã lập nên ngôi miếu này để thờ phụng. Kiến trúc ngôi miếu không quá đồ sộ, nhưng không gian vô cùng thoáng đãng và mát mẻ bởi những cây thị cổ thụ phủ bóng mát khắp khoảng sân rộng gợi lên cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Chùa Núi Một

Hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi Một và là ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo. Chùa được xây dựng dưới thời Mỹ ngụy năm 1964, ngoài mục đích phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình các quan chức binh sỹ sinh sống trên đảo; còn được Mỹ ngụy sử dụng như một tấm bình phong để che mắt dư luận quốc tế, báo chí về hệ thống cai trị tù nhân tàn bạo, khốc liệt thời bấy giờ. Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, với những góc thưởng ngoạn tuyệt vời, hầu như bao quát toàn bộ cảnh vật bên dưới. Nếu hướng nam ngắm núi rừng xanh bạt ngàn, hướng đông vịnh Côn Sơn trong xanh, thị trấn bình yên vương mình phát triển thì hướng bắc một cánh đồng sen An Hải bát ngát đang tỏa hương từng giờ, từng giây.

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975. Nơi đây có hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có mộ của các nhà yêu nước nổi tiếng như Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong… Và trải nghiệm đặc biệt bạn phải thử khi đến đây là nên viếng mộ vào lúc 12 giờ khuya. Khác với suy nghĩ ghé thăm mộ vào lúc này sẽ rất vắng lặng và ít người, tuy nhiên dù là nửa đêm nghĩa trang vẫn rất đông du khách. Các sạp bán hàng tại nghĩa trang đèn vẫn sáng trưng, phục vụ cho nhu cầu mua đồ lễ vào thắp hương của đoàn người tới viếng.

Dinh Chúa Đảo

Dinh Chúa Đảo hay còn gọi là Dinh ông lớn, trước kia là nơi ngự trị của 53 đời chúa đảo gồm 39 chúa đảo thời thực dân Pháp và 14 chúa đảo thời đế quốc Mỹ qua 113 năm. Đây chính là cơ quan đầu não của hệ thống nhà tù và là bức tranh toàn cảnh về 2 đời sống đối lập nhau: cuộc sống xa hoa của chúa đảo và sự khổ cực của những người tù. Phòng trưng bày bên trong dinh chúa đảo hiện đang lưu giữ gần 700 hiện vật, hình ảnh trưng bày cũng phần nào truyền tải đến công chúng về bằng chứng đích thực của những hi sinh mất mát, bằng chứng về tội ác của thực dân và đế quốc đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo.

Nguồn Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới