Du lịch Phú Yên có gì đẹp?

Mọi người vẫn thường hay bảo Phú Yên là mảnh đất của “hoa vàng cỏ xanh” nhưng đâu chỉ có thế, Phú Yên còn là khoảng trời trong veo rực rỡ, nơi có biển xanh mây trắng nắng vàng, có nụ cười đôn hậu của những người chân quê, nơi những đồi núi và triền xanh kéo dài tít tắp. Với đường bờ biển dài gần 200km, Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Nếu bạn đang thắc mắc “Du lịch Phú Yên có gì đẹp?” thì đừng vội bỏ qua bài viết này.

 

Đảo Điệp Sơn – Con đường xuyên biển độc đáo

Là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, Điệp Sơn nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong và quần đảo này nổi tiếng với con đường xuyên biển độc đáo. Con đường không thẳng mà uốn lượn với chiều rộng khoảng 1 – 2m nên đi trên con đường này bạn sẽ cảm thấy vừa thích thú vừa sợ hãi vừa hồi hộp.

Nhà thờ Mằng Lăng – Nhà thờ cổ nhất Phú Yên

Được xây dựng từ năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất của Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Trong quá khứ nhà thờ Mằng Lăng đã từng là nơi dừng chân giảng dạy của giám mục Alexandre de Rhodes. Hơn thế nữa, đây là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Gành Đá Dĩa - Tuyệt tác được tạo ra từ "bàn tay" của thiên nhiên

Gành Đá Dĩa là thắng cảnh đẹp nổi tiếng không chỉ trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn vang danh với cả bạn bè quốc tế bởi vẻ đẹp độc đáo và hùng vĩ từ những khối đá hoặc tròn, hoặc vuông tạo nên một khung cảnh tự nhiên mà như có chủ ý sắp đặt của tạo hóa. Từ trên cao, gành đá như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề. Hoặc có thể ví như những chiếc dĩa lớn, lổm nhổm, xếp chồng lên nhau trong lò gạch.

Vịnh Vũng Rô – Thiên đường nơi xứ Nẫu

Được che chắn bởi Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà, Vịnh Vũng Rô có hình dáng tựa chiếc gương khổng lồ nằm lọt thỏm giữa bao la núi rừng, với diện tích 16.4km đây là ranh giới tự nhiên trên biển giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Quang cảnh Vũng Rô hiền hòa, làn nước trong xanh như ngọc với bờ biển dài có nhiều bãi cát mịn. Đây không chỉ là nơi neo đậu của rất nhiều thuyền bè mà còn là nơi cư ngụ của rất nhiều loại tôm, cá và thảm san hô, tạo nên một Vũng Rô mê hoặc lòng người.

Cao nguyên Vân Hòa – Đà Lạt giữa lòng miền Trung

Như một vẻ đẹp kì lạ của thiên nhiên Phú Yên - vùng cao nguyên đầy nắng và gió Vân Hòa nằm ở độ cao 400m lại sở hữu cho mình những cảnh quan thiên nhiên nhiên làm say đắm lòng người, thi thoảng lại có sương mờ. Khí hậu ở đây luôn thấp hơn thành phố Tuy Hòa, khiến mọi người có cảm giác se se lạnh như khí hậu ở Đà Lạt. Vì đặt trưng là vùng cao nguyên đất đỏ bazan, lại hợp với trồng cây ăn trái, nên nơi đây có nhiều vường cây trái xum xuê như ở miệt vườn miền Tây.

Gành Ông, Bãi Xép – Điểm đến ấn tượng bước ra từ những thước phim

Nổi tiếng từ bộ phim Việt “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Bãi Xép – Gành Ông trở thành những điểm check-in không thể thiếu của hầu hết các bạn trẻ. Gành Ông cắt ngang bãi biển, một bên là Bãi Xép, một bên là bãi biển được ngăn cách với “thế giới bên ngoài” bằng một rừng phi lao xanh rì dày đặc. Đứng từ Gành Ông bạn có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ không gian của biển cả bao la trong khi đó, bãi Xép cũng không hề tỏ ra kém cạnh khi có những luống xương rồng đặc trưng đất Quảng. Đứng ở đây, cứ như được trở về những giấc mơ thơ bé, nơi có biển và đồi bao quanh, nơi có thể chạy dọc trên những triền đồi lấp lánh thả diều mà chẳng hề âu lo suy nghĩ.

Đầm Ô Loan – Điểm ngắm bình minh đẹp nhất Phú Yên

Nằm dưới chân đèo Quán Cau, đầm Ô Loan được ví như là một con phượng hoàng đang tung cánh bay. Đây là địa điểm tuyệt đẹp cho du khách ngắm ánh mặt trời vào lúc bình minh. Bạn có thể ngắm toàn cảnh đầm bằng cách leo lên đỉnh đèo Quán Cau với khung cảnh mặt hồ rộng từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những dải đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt.

Tháp Nhạn – Biểu tượng linh thiêng của người dân Phú Yên

Tháp Nhạn là một trong những điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch nhất ở Phú Yên. Nơi này rất linh thiêng và được người dân địa phương dùng để thờ cúng các vị thần linh của người Chăm Cổ. Tháp được thiết kế theo phong cách kiến trúc Champa cổ, phần đỉnh tháp được làm từ một phiến đá nguyên tảng được khắc hình búp sen - biểu tượng Linga của người Chăm cổ. Bốn mặt của ngọn tháp đều có 1 cửa sổ giả với cửa chính lớn nhất hướng về phía Đông.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới