Du xuân Sapa, hòa mình vào mùa lễ hội

Xuân đến mang theo ánh nắng ấm áp, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, con người rạo rực, phấn khởi, nhịp sống tiếp tục sinh sôi. Mùa xuân ở Sapa chính là mùa của lễ hội, trai gái từ khắp các bản làng, thôn xóm náo nức, xúng xính váy áo cùng nhau trẩy hội.

 

Lễ hội xuống đồng

Du lịch Sapa vào đầu mùa xuân, ngày mùng 8 tết hàng năm là lễ hội xuống đồng đặc sắc và mang đậm nét truyền thống của dân tộc Tày và Dao. Đây là lễ hội thu hút được nhiều du khách thập phương và nước ngoài tham gia nhất. Lễ hội gồm có rất nhiều phần, như rước đất, rước nước, lễ cúng, cày đồng… Nhưng phần nổi bật nhất và vui nhất đó chính là các tiết mục văn nghệ và trò chơi của đồng bào dân tộc Tày và Dao. Những điệu múa xòe dập dìu trong tiếng kèn, tiếng trống vang dội, những trò chơi dân gian độc đáo. Đầu tiên là trò chơi ném còn, hai đôi nam thanh nữ tú được vinh dự ném quả còn đầu tiên, sau đó tất cả mọi người đều được tham gia. Trò chơi ném còn được tiếp tục cho đến khi quả còn được ai đó ném qua vòng. Tiếp theo là các trò chơi như đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ… Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn và mua một vài món quà đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây nữa.

Lễ hội Nào Cống

Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ Nào Cống. Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Lễ Nào Cống có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống. Khác với lễ Nhặn sồng, Nào sồng, lễ Nào Cống không tổ chức bàn bạc thảo luận quy ước, mọi người đến dự chỉ có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến. Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ Nào Cống đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.

Lễ hội Gầu Tào

Gầu Tào chính là lễ hội “cầu phúc-cầu mệnh” của người Mông. Người Mông ở Sapa thường tổ chức lễ hội này vào sáng mùng 1 Tết, còn người Mông ở Mường Khương thì tổ chức vào sáng mùng 3 Tết. Khách du lịch Tết đến Sapa thể tự do lựa chọn tham gia lễ hội nào tùy vào thời điểm bạn đến. Thông thường, lễ hội Gầu Tào chỉ được tổ chức trong khuôn viên gia đình, tức là nếu một gia đình không có con hoặc có người ốm đau họ sẽ đến xin thầy cúng làm lễ này. Nhưng vài năm trở lại đây, chính quyền xã đã quan tâm và mở rộng lễ hội, biến nó đã trở thành một lễ hội chung của dân tộc Mông. Đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu với du khách những nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mông San Sả Hồ.

Lễ Tết nhảy

Lễ Tết nhảy là lễ hội truyền thống được đồng bào dân tộc Dao chuẩn bị công phu nhất. Mặc dù diễn ra vào mùng 1, 2 Tết âm lịch nhưng khâu chuẩn bị được thanh niên trong bản tập dượt từ trước đó vài tháng. Điểm nhấn của lễ Tết nhảy chính là 14 điệu nhảy độc đáo và đặc sắc. Mỗi điệu nhảy lại mô tả những hành động khác nhau và kể về sự tích, truyền thống của dòng họ, công lao của tổ tiên. Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Đó là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ, công lao tổ tiên. Đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ… sinh hoạt tết của người Dao đỏ Tả Van giầu bản sắc, độc đáo nhưng đều thấm đậm tính nhân văn. Trong Lễ hội còn có hội hát giao duyên của trai gái trong bản và các trò chơi mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: ném còn, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, leo cột mỡ, đi cầu tre… thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia và khám phá.

Lễ quét làng

Lễ quét làng thực chất cũng là lễ cúng các loại ma theo quan niệm của người Xá Phó, để cầu cho dân làng được bình yên, gia súc khỏe mạnh và hoa màu tươi tốt. Lễ thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch và nổi tiếng là một lễ hội truyền thống thần bí của người Xá Phó ở Sapa. Vào lễ hội này mọi người thường giết lợn, gà, dê… để làm mâm cúng các loài ma, thầy cúng làm lễ, cùng dân làng vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên. Cuối buổi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các thức ăn cúng ma đều phải ăn hết không được mang vào trong làng.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới