Hành hương ngày Tết trên vùng đất thanh bình Luang Prabang

Đất nước Triệu Voi, không chỉ có những khung cảnh tự nhiên hấp dẫn, mà còn có những công trình đền chùa độc đáo, nổi tiếng trong khu vực như chùa Sisaket với hàng ngàn pho tượng mất đầu, động Pak Ou – tượng Phật trong lòng đất, Wat Xieng Thoong ngôi chùa cổ nhất thành phố Luang Prabang…

Khác với nhịp sống sôi động của những nước láng giềng, dường như Lào lại khoác lên mình một sự trầm tĩnh, chậm rãi đến lạ thường. 

Rảo bước ở Luang Prabang

Luang Prabang là cố đô của Vương quốc Lào và cũng là điểm đến nằm trong hành trình của phần lớn các du khách khi đến với đất nước triệu voi. Tại đây, nét đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian vẫn hiện hữu trên những công trình kiến trúc, các đền chùa, trên những con phố… Bên cạnh đó, Luang Prabang còn hớp hồn du khách bởi một thắng cảnh rất nổi tiếng, đó là thác nước Kuang Si.

Viếng chùa cổ Wat Xieng Thoong

Wat Xieng Thoong là một trong những ngôi chùa cổ nhất và quan trọng nhất của thành phố Luang Prabang. Chùa có lối kiến trúc đặc thù Lào, mái cong cong buông xuống gần mặt đất, bao quanh là những miếu đường nhỏ có cùng một lối kiến trúc, hợp thành một cảnh quan đẹp đẽ. Từ cổng ra vào, bên trái là một đền nhỏ, bên trong là cỗ xe của hoàng gia. Chiếc xe đồ sộ, nổi bật với sắc vàng và được trang trí bằng 5 rắn thần Naga. Cỗ xe này đã được vua Sisavong sử dụng vào năm 1960. Từ ngoài vào trong, trên các tường ta thấy cơ man phù điêu, điêu khắc, chạm trỗ công phu, sắc sảo nội dung dựa theo Phật tích. Nội thất của Wat Xiêng Thoong phải kể là tuyệt tác. Mỗi miếu đường cũng vậy. Mặt sau ngôi cổ tự, trên tường có họa một cây nhân sinh, màu đỏ cam. Mỗi năm, vào dịp Bunpimay (Tết Lào) lãnh đạo giáo hội Phật giáo Lào cũng như quan chức trong chính quyền tại Luang Prabang đều vân tập ngôi danh lam cổ tự Wat Xieng Thong hành lễ chào mừng tân xuân, rước tượng Prabang từ Bảo tàng viện về an vị trong sân Wat Xieng Thong, mọi người cùng tắm tượng Phật Prabang bằng nước hoa đại suốt một ngày, biểu hiện lòng sùng tín đối với Phật giáo.

Chiêm ngưỡng That Luang

That Luang là kiến trúc trung tâm của chùa và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 45m). Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhà vươn lên cao như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên. Thiết kế tháp chính biểu thị cho 3 cấp độ trong Phật gióa là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trên bức tường xung quanh là những bức điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo cũng là hình ảnh mô tả cho các giai đoạn trong đời của Đức Phật. Xung quanh ngôi tháp chính được trang trí với 332 hình lá bồ đề cách điệu. 30 tháp nhỏ xung quanh là hình ảnh Đức Phật Thích ca trải qua 30 năm tu hành gian khổ. Các tháp nhỏ đắp hàng chữ Bali nổi chính là lời răn dạy trong Đức Phật. Bên trong ngôi chùa rát vàng này có lưu giữ mộ sợi tóc và nhiều xá lợi của Đức Phật. Ngoài ra, That Luang còn là kho tàng châu báu ngọc ngà của quốc gia. Vào dịp lễ hội trăng tròn tháng 11 dương hàng năm, du khách đến đây sẽ được hòa chung vào không khí trong ngôi chùa That Luang. 3 ngày hội diễn ra nhiều sự kiện, nghi thức long trọng của Phật giáo như lễ dâng cơm, lễ tắm phật hay lễ cầu phúc...

Chùa Sisaket

Wat Sisaket là một ngôi chùa nhỏ tại thủ đô Viêng Chăn, chùa có đến 6.840 tượng phật lớn nhỏ rất quý hiếm. Tượng ở đây được làm chủ yếu bằng Đồng, một số làm từ các vật liệu khác như gỗ quý, bạc, hoặc mạ vàng. Chùa có kiến trúc mái 5 tầng và hành lang bao quanh chùa chính. Những tường phía trong hành lang là nơi trưng bày hơn 2000 tượng phật lớn nhỏ được làm trong thế kỷ 16 – 19. Xung quanh hành lang có đặt hơn 300 tượng phật mang phong cách điêu khắc Lào bằng chất liệu gỗ, đá hoặc thiếc được làm tại Vientiane vào thế kỉ 16 và 19. Giá phía dưới cũng trưng bày hơn 300 tượng phật theo phong cách Lào. Dãy hành lang phía Tây có trưng bày một loạt những bức tượng bị vỡ - kết quả của cuộc tấn công của quân Xiêm năm 1828. Đáng chú ý, trong gian chính điện và một vài gian xung quanh, có rất nhiều pho tượng cổ bằng đồng mạ vàng rất quý hiếm”. Đến Sisaket, bất kỳ ai cũng phải ghé thăm "kho tượng Phật" nằm gọn bên mé trái của chùa. Tấm cửa được đóng đơn giản với những tấm gỗ thưa, để lộ ra bên trong hàng ngàn bức tượng Phật lớn bé. Có bức chỉ còn thân, có bức mất tay mất chân, có cái chỉ có đế. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là mất đầu. Mang giá trị cả về mặt tâm linh và vật chất mà ngôi đền đã nhiều lần bị thiệt hại trong chiến tranh, do kẻ thù luôn cố gắng xóa bỏ những gì tâm linh trên đất nước và bòn rút những vật phẩm quý giá của đất nước này. Do đó, những bức tượng bị phá hủy, cũng là nhân chứng sống cho những gì chiến tranh để lại. Vẻ hoang tàn cổ kính của ngôi chùa lại mang một ý nghĩa cực giá trị, như lời nhắc về hòa bình, về một đất nước an yên. Chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa, ký ức đau thương ấy vẫn tồn tại ở Wat Sisaket.

Thăm chùa Phật động Pak Ou

Pak Ou được biết đến là hang động của hàng ngàn vị Phật. Các tượng Phật ở đây có kích thước từ lòng bàn tay cho đến bằng chiều cao của một người. Con số thực tế mới nhất cho biết có khoảng 4.000 tượng nằm trong hai hang động, 1.500 tượng ở hang trên gọi là hang Tam Pum và 2.500 tượng trong hang dưới và là hang động chính được gọi là hang Tam Ting. Hầu hết những bức tượng này được chạm khắc từ gỗ, phủ sơn mài màu đỏ hoặc đen, và sau cùng được phủ bằng lá vàng. Ngoài ra còn có một số được làm từ sừng động vật, đồng hoặc gốm. Từ hang dưới lên hang trên khoàng 200 bậc thang với hàng ngàn nức tượng Phật, có tượng còn nguyên vẹn, có tượng đã sứt mẻ. Có những bức tượng Phật rất to, và cũng có những tượng Phật rất nhỏ nằm rãi rác bên trong động. Khi còn thể chế quân chủ, theo truyền thống hàng năm nhà vua đều tới thăm hang Phật vào ngày Tết Pimay (Tết té nước ở Lào) và ở qua đêm trong một ngôi chùa hoàng gia nơi bản Pak Ou. Dân chúng cũng tấp nập dùng ghe thuyền từ Luang Prabang ngược dòng Mae Nam Kong tới hang Pak Ou hành hương, với nghi thức dùng nước hoa thơm tắm Phật.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới