Món ngon đậm hương vị núi rừng Cao Bằng

Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với phong cảnh núi rừng hoang sơ, thiên nhiên hữu tình mà còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn nghe tên thôi cũng háo hức muốn thử ngay. Nào cùng thưởng thức những món ngon mang đậm hương vị núi rừng Cao Bằng nhé.

 

Xôi trám

Ở Việt Nam, có nhiều món xôi ngon, quen thuộc như xôi xéo, xôi ngô, xôi vò, xôi gấc, xôi ngũ sắc. Đến với đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, xôi trám cũng gây thương nhớ trong thực khách bởi vị ngọt, bùi và ngậy của trám. Đây là món ăn đặc trưng của người Cao Bằng đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố trong danh sách top 100 món ăn, ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam.

Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến hay bánh pẻng rày là món đặc sản của người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Đúng như tên gọi, thành phần chính làm nên loại bánh này là trứng kiến. Người Tày thường làm bánh trứng kiến vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm. Đây là thời điểm sinh sản của loài kiến đen rừng. Ngoài trứng kiến băm nhỏ phi cùng hành khô, bánh còn có nhân củ kiệu, lá kiệu, thịt heo băm, đậu phụ... Phần bánh được làm từ gạo nếp nương dẻo mềm, đậm vị núi rừng.

Phở chua

Phở chua Cao Bằng ngoài ngon vì độ dẻo của bánh, vị bùi của gan hoà với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay... còn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua cay man mác của măng ớt, vị bùi của lạc và khoai, thơm của mác mật. Phở chua là một món ăn được chế biến khá cầu kỳ. Nguyên liệu chính là bánh phở, nhưng phải là bánh tráng xong để nguội, vừa dẻo vừa dai, không nát. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ, sau khi tẩm ướp, rán giòn, có màu vàng sậm. Riêng vịt quay, phải chọn những con vịt béo tròn, cho các gia vị như lá hoặc quả mác mật, hạt dổi... vào trong bụng khâu lại, sau đó xoa mật ong lên lớp da, quay trên than hồng cho thật vàng.

Lạp xưởng hun khói

Lạp xưởng hun khói là món ăn truyền thống lâu đời của người Cao Bằng được nhiều người ưa thích. Cách chế biến món lạp xưởng trải qua nhiều công đoạn, trước tiên đem lòng lợn (lòng non) rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, cuối cùng là rửa bằng rượu. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, lòng lợn được phơi khô rồi thổi hơi vào trở thành bong bóng, để làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân lạp xưởng được làm bằng thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn.

Bánh coóng phù

Bánh coóng phù hay bánh trôi là đặc sản bạn không thể không thử khi ghé miền sơn cước Cao Bằng. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp trộn gạo tẻ vừa dẻo vừa thơm. Nhân bánh gồm đậu phộng giã nhỏ, có loại nhân trộn thêm đường và vừng. Bánh coóng phù truyền thống có màu trắng tinh. Ngày nay, người Cao Bằng thường trộn bột bánh với gấc hoặc ngâm gạo với lá nếp cẩm, lá dứa để tạo màu và hương vị tự nhiên.

Nằm khâu

Nằm khâu là món ăn chủ yếu có trong các cỗ cưới, rất quen thuộc với người dân các huyện vùng cao Cao Bằng. Món ăn này có tên gọi khác theo tiếng Tày là Phước Hác.

Bánh cuốn

Nếu như bánh cuốn tại nhiều nơi chỉ là lớp bột tráng lên, quết vào bên trong nhân thịt, chấm với nước mắm có tỏi, ớt thì bánh cuốn Cao Bằng hoàn toàn khác, ăn kèm với một chén nước súp được ninh nhừ từ thịt xương, ngọt lịm còn khói bóc lên. Người Cao Bằng chính gốc còn ăn bánh cuốn với măng muối chua cùng trái mắc mật. Măng phải là măng tươi, đem về ngâm, luộc rồi mới muối cay với thật nhiều ớt. Có khi họ bỏ hẳn vào trong tô.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới