Nét ẩm thực độc đáo đón Tết cổ truyền của người Châu Á

Tết Nguyên Đán không chỉ là ngày đặc biệt quan trọng không chỉ Việt Nam mà còn cả những nước châu Á khác. Tuy có những phong tục đón Tết khác nhau nhưng ở mỗi quốc gia đều có những món ăn truyền thống đặc trưng với quan niệm rằng, thưởng thức chúng sẽ mang lại may mắn trong cả năm

Tết Nguyên Đán (hay Tết Âm lịch) là dịp lễ tết quan trọng nhất trong năm của một số quốc gia châu Á theo lịch Mặt trăng. Giống như Việt Nam có bánh chưng bánh tét, các quốc gia khác cũng có những phong tục và món ăn ý nghĩa để đón chào năm mới. Dù mỗi nơi mỗi khác nhưng tất cả nghi lễ, phong tục và món ăn ở các nước đều là lời ước nguyện cầu mong một năm mới tốt lành, hạnh phúc.

Mông Cổ

Người Mông Cổ cũng ăn Tết Âm lịch từ mùng 1 đến mùng 3 đầu năm mới. Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ có tục lệ dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà. Ngoài ra họ còn uống trà và ăn những món ăn được làm từ sữa ngựa. Đây là hành động được coi là có ý nghĩa tẩy sạch những tội lỗi từ năm trước.

Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt, Tết là khoảng thời gian để trở về nguồn cội, đoàn tụ với gia đình, và tết cũng là dịp được ăn uống thỏa thích, bù cho những tháng ngày vất vả đói kém. Ẩm thực ngày Tết không chỉ đơn giản là những món ăn thức uống, mà còn là tinh hoa trong văn hóa dân tộc bao đời. Trong những phong tục tập quán ngày tết, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực như là bản sắc dân tộc. Bánh chưng là món không bao giờ thiếu vào dịp tết của người Việt. Trên bàn thờ tổ tiên và trong mâm cỗ của người Việt luôn luôn có bánh chưng. Đây được xem là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt Nam. Bánh được được làm từ gạo nếp loại ngon, nhân đậu xanh, thịt mỡ và được gói bằng lá dong vuông vức, sau đó đem luộc chín. Khi chín, bánh có màu xanh tự nhiên của lá dong, bánh dẻo và thơm mùi gạo nếp. Nếu trong ngày Tết của người miền Bắc luôn có món như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thì ngày Tết miền Trung lại không thể thiếu những món ăn dân dã như dưa món, nem chua, tré, thịt dầm…. Còn người miền Nam trong những ngày đầu năm luôn phải có những món ăn như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu…

Campuchia

Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là món cà ri. Trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri thơm lừng.

Trung Quốc

Vốn coi trọng phong tục, trên bàn tiệc đầu năm của người Trung Quốc có rất nhiều những món ăn may mắn nhưng quan trọng nhất vẫn là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm. Trong đó, từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Bên cạnh đó, món mì trường thọ và bánh sủi cảo hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại may mắn cho cả năm.

Nhật Bản

Nhật Bản đã bỏ ăn Tết cổ truyền từ năm 1873. Kể từ đó, người Nhật chỉ ăn Tết Dương lịch. Tuy nhiên, khi nói về ẩm thực truyền thống trong ngày Tết của người Nhật Bản cũng có nhiều điều thú vị. Một trong những món ăn chính trong mâm cơm Tết của người Nhật là kagamimochi. Họ cho rằng bánh kagamimochi thể hiện sự kính trọng thần linh đồng thời là món ăn đem lại may mắn và sức khỏe trong năm mới. Ngoài ra, mâm cỗ Tết của người Nhật Bản có một số món ăn khác như tảo biển luộc konbu, bánh cá kamaboko, đậu nành đen kuromame, tôm rim với rượu sake và nước tương, tất cả được đựng trong một chiếc hộp jubako.

Hàn Quốc

Mâm cơm ngày Tết của người dân Hàn Quốc thường có đến 20 món. Bên cạnh kimchi hay canh rong biển quen thuộc, món ăn nhất thiết phải có là canh bánh gạo (Tteokguk). Canh bánh gạo gồm phần bánh gạo (tteok) và nước hầm (guk), ngoài ra còn có bánh gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, hành. Việc ăn canh bánh gạo được suy đoán là có nguồn gốc từ thời cổ đại. Bánh gạo trắng thể hiện sự thanh khiết và sạch sẽ được coi như là một điều may mắn để bắt đầu một năm mới. Bát canh bánh gạo có ý nghĩa mang lại sự may mắn và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Singapore, Malaysia

Món ăn truyền thống nổi tiếng của Singapore và Malaysia trong ngày tết là Yu Sheng. Đó là một loại gỏi với cá hồi sống và nhiều loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng chua… Khi món ăn được dọn ra sẽ được bỏ thêm một số bao lì xì ở bên cạnh, người ăn sẽ xới tung tất cả lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài và hét lohei (vừa có nghĩa là trộn đều, vừa có nghĩa là thịnh vượng) rồi trộn xốt vào và thưởng thức. Bên cạnh đó, người dân Malaysia và Singapore thêm cá vào món Yu Sheng để cầu may mắn, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài. Ngoài ra còn có các loại bánh khác như: Bánh Nian Gao ngụ ý thắt chặt tình thân, thịt khô Bak Kwa mang may mắn đến, mì Trường thọ mong ước cả năm được bình an và sống lâu trường thọ,...

Nguồn: Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới