Quảng Bình Quan và những địa danh di tích nổi tiếng ở Quảng Bình

Nếu như thủ đô Hà Nội có Hoàng Thành Thăng Long nổi tiếng với Cửa Bắc – khu thành cổ Hà Nội, thành phố Vinh có Cổng Thành minh chứng còn sót lại của Thành cổ Nghệ An, thì Quảng Bình có Quảng Bình Quan – hệ thống thành lũy cổ với kiến trúc độc đáo được xây đắp bảo vệ kinh thành Nguyễn khiến bất kì ai mỗi lần ghé qua đều phải bồi hồi.

Quảng Bình Quan là một cổng án ngữ trên đường thiên lý Bắc Nam (đường Hạ) thuộc hệ thống lũy Thầy, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thuộc TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tượng đài Mẹ Suốt và Di tích Bến Đò

Tượng đài Mẹ Suốt vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời gió biển Đồng Hới, gợi nhớ những người khách đi qua đây về câu chuyện của một người mẹ Việt Nam anh hùng trong những năm tháng chiến đấu hi sinh oanh liệt và dũng cảm. Bến đò năm xưa Mẹ chèo cũng đã trở thành một chứng minh lịch sử của một thời dân tộc Việt Nam cùng nhau chiến đấu chống giặc cứu nước.

Quảng Bình Quan

Quảng Bình Quan – một biểu tượng đặc trưng của thành phố. Xưa kia đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc – Nam, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) công trình này được xây lại bằng gạch đá, năm 1961 được tu sửa lại. Nằm trong hệ thống Lũy Thầy kéo dài hơn 30 km, trấn giữ con đường huyết mạch Bắc – Nam và đường thủy từ cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình Quan được xây dựng rất kiên cố và vững chắc với địa thế tựa núi gần khe. Có lẽ nhờ vậy mà hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh vào Nam thì cả 7 lần đều bị chặn đứng và thất bại ở cửa ải này. Quảng Bình Quan không chỉ minh chứng cho một hệ thống quân sự vững chắc thời Trịnh Nguyễn mà còn khắc họa nét tinh tế của một công trình nghệ thuật đã có hàng trăm năm tuổi.

Núi Thần Đinh

Trên đỉnh của núi Thần Đinh là những dấu vết còn sót lại của chùa Kim Phong (còn được gọi là chùa Non) – một ngôi chùa thiêng với nhiều sự tích huyền ảo về chuông chùa, miếu thờ thần và đặc biệt là giếng nước thần trong vắt, tích tụ long mạch của núi, không bao giờ cạn. Theo dân gian, ai uống hay rửa mặt bằng nước này sẽ luôn gặp nhiều may mắn, bình an. Hàng năm, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, du khách đến với núi Thần Đinh rất đông để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và cầu may mắn. Cảnh quan của núi Thần Đinh vẫn giữ nét nguyên sơ. Để lên đến đỉnh của núi Thần Đinh, du khách phải thử sức, hạ quyết tâm với hơn 1.260 bậc đá trong không khí tĩnh mịch, thư thái tâm hồn.

Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Nguyễn Hữu Cảnh là người có tài thao lược, trí thông minh và bản lĩnh hơn người, đã lập nhiều chiến công hiển hách. Được sự đồng ý của chúa Nguyễn, ông đã tổ chức một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử, đưa dân từ Bố Chính (Quảng Bình), Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng vào khai phá vùng đất hoang vu để có Nam Bộ trù phú ngày nay. Sau khi qua đời, ông được nhà Nguyễn truy phong công trạng với sự đánh giá rất cao. Ông được coi là “Thượng đẳng thần”, là “Khai quốc công thần’’. Ở khắp cả nước, từ Quảng Bình đến Quảng Nam – Đồng Nai – An Giang – Cần Thơ và ngay giữa Sài Gòn… Ở đâu cũng có nhà thờ hoặc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Hiện tại, trong khuôn viên Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn lưu giữ một tấm bia đá rất có giá trị. Việc tìm thấy Lăng mộ của ngài ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã làm sáng tỏ nhiều tồn nghi trong lịch sử liên quan đến thân thế và sự nghiệp.

Khu khảo cổ Bàu Tró

Hồ nước ngọt Bàu Tró cách Biển Nhật Lệ chỉ khoảng 100m. Đây cũng là một di tích khảo cổ học nổi tiếng mà bạn nên ghé lại tham quan. Tại đây, vào năm 1923, Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ. Qua nhiều cuộc khai quật khảo cổ quy mô của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bàu Tró đã hé lộ về một di chỉ thời tiền sử đá mới với các vật dụng rìu đá, bàn mài, chày nghiền, nghiền hạt, chì lưới… và đặc biệt là nhiều mảnh đồ gốm được trang trí hoa văn, màu sắc. Với quy mô và ý nghĩa khoa học to lớn của di chỉ Bàu Tró, các nhà nghiên cứu đã lấy tên di chỉ này đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, và gọi là văn hóa Bàu Tró. Bên cạnh đó, Bàu Tró còn là một thắng cảnh thiên nhiên còn giữ nét nguyên sơ, hoang vu, hấp dẫn du khách với nguồn nước ngọt trong mát.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới