Rùng mình với những địa điểm check-in mạo hiểm nhất thế giới

Bất chấp nguy hiểm tới tính mạng, nhiều du khách vẫn quyết tâm chinh phục các địa điểm du lịch nguy hiểm chết người. Từ cung đường tử thần Yungas (Bolivia), “Lưỡi quỷ” Trolltunga (Na Uy) đến một trong “Ngũ đại danh sơn” (Trung Quốc) nổi tiếng với hành lang chết người,… đều được xem là những trải nghiệm xứng đáng để thử một lần trong đời.

 

Núi Huayna Picchu (Peru)

Chúng ta không hề xa lạ với Machu Picchu – một trong “7 kỳ quan mới của thế giới”. Nhưng để thu hết vào tầm mắt sự huyền ảo bậc nhất của thành phố nổi tiếng khu vực Nam Mỹ này, bạn nhất định phải leo lên đỉnh núi Huayna Picchu. Ngọn núi là một trong những đường leo núi đáng sợ nhất thế giới và thậm chí còn được mang tên “cung đường tử nạn”. Với độ cao khoảng 2.720m so với mực nước biển và đường lên núi cao khoảng 305m, đỉnh Huayna Picchu trần đầy đống đổ nát và nền đá trơn trượt, với những góc cua đột ngột sát vách đá rất dễ dàng rơi xuống. Du khách chỉ có thể bò theo bậc thang thay vì đi đứng như mặt đường bình thường.

Đường Bắc Yungas (Bolivia)

Con đường Bắc Yungas được gán cho một biệt danh khét tiếng “Con đường tử thần”, đó là vì nó đã cướp đi hàng trăm, hàng ngàn mạng người mỗi năm. Với triền dốc thẳng đứng gần 610m và dài 64km, Bắc Yungas là một trong những tuyến đường nguy hiểm bậc nhất thế giới, với vô số khúc cua hẹp, ngoằn ngoèo, hiện tượng lở đất, thác nước, thường xuyên bị cây cối, sương mù che phủ tầm nhìn và không có hàng rào bảo vệ. Nhưng vào đầu thập niên 1990, chính yếu tố nguy hiểm của con đường lại là điều hấp dẫn du khách khi quyết định đến thăm thú Bolivia. Trái ngược với mọi con đường khác tại đất nước này, các phương tiện di chuyển trên Bắc Yungas, phải sử dụng làn đường bên trái để giúp việc di chuyển an toàn hơn – người xuống dốc sẽ bám vào vách đá bấp bênh, còn người lên dốc sẽ chạy sát rìa đường không rào chắn. Tuyến đường tử thần này được xây dựng bởi các tù nhân Paraguay vào thập niên 1930. Rất nhiều cây thánh giá đã được đặt ở những nơi từng xảy ra tai nạn. Bất chấp việc có hơn 300 người đã bỏ mạng ở cung đường này mỗi năm, đây vẫn là nơi lý tưởng cho những ai yêu thích phiêu lưu mạo hiểm.

Vách đá Moher (Ireland)

Trải dài 8km trên bờ biển phía Tây Ireland, thuộc địa phận hạt Clare, vách đá Moher là một trong những điểm du lịch hàng đầu của Ireland, đã được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Mỗi năm thắng cảnh này đón tiếp gần 1 triệu lượt khách du lịch. Theo ngôn ngữ Gaelic cổ, “Mothar” có nghĩa là “pháo đài đổ nát”, đã tồn tại từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Vì thế, vách đá Moher còn mang hàm chứa ý nghĩa vách đá của pháo đài cổ đã không còn dấu vết trong hiện tại. Với điểm cao nhất của vách đá là lên tới 214 mét, cấu tạo đá vôi dễ sụt lở cùng vách đá dựng đứng, nơi này tiềm ẩn mối nguy hiểm đáng kể cho du khách. Đã có 30 ca tử vong được xác định tại đây kể từ năm 1990.

Thác Victoria (Zambia)

Tọa lạc ở độ cao 108m, đỉnh thác Victoria tại biên giới hai nước Zambia và Zimbabwe (miền Nam châu Phi) được mệnh danh là một trong những hồ bơi nguy hiểm nhất hành tinh. “Hồ bơi tử thần” – thực chất chỉ là một vũng nước nhỏ, chỉ đủ chỗ cho vài người một lúc – nằm sát mép thác, cách dòng nước đang cuồn cuộn đổ xuống vực sâu hơn 100m chỉ vài gang tay. Sự nguy hiểm nằm gần ngay gang tấc, thật khó có điều gì thôi thúc những kẻ gan lì đến và trải nghiệm hơn. Hàng triệu du khách vẫn đều đặn đến bơi ở nơi này, không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ của tự nhiên, mà còn trải nghiệm tắm trong hồ bơi “chết người” này một lần trong đời. Một bức tường đá cao ngang thân người đã ngăn dòng chảy, giúp người bơi không bị trôi xuống dưới. Thông thường, sẽ có một hướng dẫn viên xuống hồ trước, ngồi đợi và đón du khách nhảy xuống để đảm bảo an toàn.

Kjeragbolten (Na Uy)

Là một điểm leo núi thú vị và là điểm đến yêu thích của những người chơi môn nhảy dù, điều làm nên sức hút của dãy núi Kjerag chính là tảng đá mắc kẹt giữa hai vách núi. Với diện tích chỉ khoảng 5m2, nằm ở độ cao 1.067m so với mực nước biển, tảng đá là địa điểm nổi tiếng để những kẻ “máu liều” đứng lên trên, ngắm nhìn vực sâu thăm thẳm và dòng sông băng Lysefjorden nằm dưới chân dãy núi. Trước đây, Kjerag là một dãy núi liền mạch, một chấn động mạnh xảy ra đã khiến dãy núi bị nứt làm đôi, và không hiểu sao hòn đá kỳ lạ này lại mắc kẹt giữa hai vách núi. Các trò chơi mạo hiểm như đứng và lộn ngược trên những chiếc ghế được xếp chồng lên nhau đặt chênh vênh trên hòn đá khiến nhiều người cảm thấy hoảng hồn.

Núi Hóa Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc)

Là một trong “Ngũ đại danh sơn” của Trung Quốc và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, núi Hóa Sơn là một trong những điểm du lịch vừa đáng sợ vừa “hút” du khách ở Trung Quốc. Cảnh đẹp ở Hóa Sơn càng lên cao càng mê hoặc nhưng đổi lại là một vực thẳm sâu hun hút ngay dưới chân. Để leo lên tất cả 5 đỉnh của núi Hóa Sơn, du khách phải mất từ 5-7 giờ đồng hồ tùy thể lực mỗi người. Nhưng nếu muốn leo hết dãy núi, tốt nhất hãy ngồi cáp treo để dành sức cho con đường ván gỗ đang chờ bạn phía trước. Để đến đỉnh núi, du khách phải vượt qua một đoạn hành lang nằm vắt vẻo trên núi đá cao 2.154m được nối bằng những tấm gỗ ván sơ sài, chúng được đóng lại bằng vài ba con đinh ốc cũ kĩ. Thứ duy nhất bảo vệ du khách chính là sợi dây xích đóng thẳng vào thân núi đá.

“Lưỡi quỷ” Trolltunga (Na Uy)

Là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch ở phía tây vùng Skjeggedal, gần thị trấn Odda thuộc quận Hordaland (Na Uy), Trolltunga vốn là một vách đá khổng lồ ở độ cao 1.100m so với mực nước biển. Nó còn được biết đến với cái tên “Lưỡi quỷ” vì hình dáng giống như một chiếc lưỡi cực đại nhô ra từ vách đá, “liếm” lên trời xanh, lơ lửng trên mặt hồ Ringedalsvatnet. Khung cảnh nhìn từ “chiếc lưỡi” này luôn hớp hồn mọi du khách, khiến nhiều người ao ước được đặt chân tới một lần trong đời. Nhiều du khách đã bất chấp nguy hiểm, để có được những bức ảnh để đời tại mỏm đá Trolltunga. Chặng đường từ Skjeggedal leo tới lưỡi đá Trolltunga phải qua nhiều ngọn núi cao, mất khoảng 10-12 tiếng cả đi lẫn về, với quãng đường đi lên khoảng 1.000m. Từ tháng 6 đến tháng 8 chính là thời gian hiking lý tưởng.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới