Thưởng thức những món ăn làm từ hoa nơi trời Việt

Không chỉ mang vẻ đẹp kiều diễm, qua bàn tay sáng tạo của những người con đất Việt, nhiều loài hoa còn được đưa vào ẩm thực, tạo nên những món ăn tinh tế và bổ dưỡng. Tùy vào đặc thù địa lý và tập quán của từng vùng miền mà sẽ tạo ra nhiều sản phẩm quyến rũ, khiến du khách nhớ mãi không thôi.

 

Hoa ban

Vào tháng 2,3 hằng năm; khắp vùng núi Tây Bắc phủ một màu trắng thuần khiết của hoa ban. Những người phụ nữ thường hái hoa đem bán ở chợ hay mang về nhà chế biến. Để có những món ăn từ hoa ban phải qua rất nhiều công đoạn. Hoa ban mới nở, sau khi hái về nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ rồi chần qua nước nóng. Hoa ban có thể dùng làm nộm rau, nộm giềng hay măng nộm hoa ban đều rất ngon và lôi cuốn. Ngoài ra, hoa ban còn có thể vò nát trộn thịt băm, nhồi cá, gà nướng…làm thành món ăn ngon và rất hấp dẫn thực khách. Lá và hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp thơm quả là một trải nghiệm cực kì thú vị.

Hoa sen

Đây chính là đặc sản vô cùng nổi tiếng của vùng Đồng Tháp. Nếu những loại hoa khác thường dùng để chế biến thành các món ăn dân dã, thì hoa sen lại chỉ thích hợp với những món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều ăn được. Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen… tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.

Bông so đũa

Ở phía Nam, ta dễ dàng bắt gặp các món ăn từ bông so đũa. Đây là loài hoa trắng xóa hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12 vừa có thể làm cây cảnh, nhưng lại vừa có giá trị dinh dưỡng rất cao. Bông so đũa có vị hơi đắng nhưng lạ miệng. Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất khoái khẩu.

Hoa tam giác mạch

Ở Lào Cai, Cao Bằng và đặc biệt là Hà Giang, cứ vào cuối thu, lúc trời bắt đầu chuyển lạnh, cũng là thời điểm loài hoa tam giác mạch bắt đầu phô sắc. Vào cuối mùa, người dân sẽ thu hoạch hạt tam giác mạch đem phơi khô, một phần dùng ủ tạo thành loại men hồng mi nổi tiếng, một phần có thể xay bột làm thành món bánh tam giác mạch nổi tiếng. Bân đầu, hạt tam giác mạch sẽ được xay thành bột mịn, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe. Bánh tam giác mạch có vị bùi bùi, phảng phất chút hăng hăng đặc trưng của cây rừng. Những sắc tím nổi bật trên nền bánh như gợi nhớ cho chúng ta về một mùa hoa ngọt ngào, lãng mạn.

Bông bí vàng

Chế biến lẩu mắm hay lẩu nấm thì không thể thiếu món bông bí dân dã miền Tây này. Bông bí còn được dùng để nấu canh, xào tỏi, đặc biệt món thịt nhồi bông bí cũng hết sức lạ miệng. Thơm ngon nhưng bông bí cũng không kém phần bổ dưỡng. Bông được cắt cả cuống, bỏ nhụy, sau đó dùng luộc, xào hấp hay nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn. Đơn giản nhất là đem luộc. Bông bí chỉ cần luộc qua trong nồi nước sôi là đủ chín, vớt ra để nguội, vắt bớt nước, chấm cùng với nước kho thịt hay nước kho cá đều rất tuyệt.

Hoa hiên (hoa kim châm)

Mang vẻ đẹp bình dị nhưng hoa hiên có chứa nhiều protein, chất béo, tinh bột, vitamin A, vitamin C… có lợi cho sức khỏe nên còn được dùng làm nguyên liệu trong nấu nướng. Ở Việt nam, loài hoa này được trồng nhiều ở Sapa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Hoa hiên dùng để ăn sẽ có vị ngọt thanh, thường được nấu chung với thịt gà, ăn kèm với các loại rau lẩu hay nấu chung với lươn đều ngon miệng. Ngoài ra, phần rễ của hoa hiên cũng được sử dụng khá phổ biến để làm thuốc giảm đau, chữa sốt, viêm gan, vàng da, viêm tai giữa, đau răng…

Bông điên điển

Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, mùa nước nổi cũng là mùa của những bông điên điển nở rộ tạo nên một khung cảnh hữu tình và thơ mộng. Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm bông điên điển… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua bông điên điển nấu cá linh. Vẫn là công thức truyền thống, nhưng người dân nơi đây khéo léo cho thêm bông điên điển tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn và lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngọt của cá và cái thơm của bông điên điển có thể làm dịu mát đi cơ thể giữa cái nóng trưa hè oi bức.

Hoa thiên lý

Hoa thiên lý từ lâu là loại nguyên liệu được biến tấu đa dạng thành nhiều món dùng trong bữa cơm gia đình và cả trong nhà hàng. Giữa cái nắng hè oi bức, nếu được thưởng thức các món ngon từ hoa thiên lý, đó sẽ là một cảm giác thú vị không gì sánh bằng. Người chế biến chọn ra những chùm hoa lớn. Sau khi rửa sạch, ngâm nước thì đem tỉa cụm nhỏ, vừa miệng rồi chế biến nhiều món ăn như canh hoa thiên lý nấu xương, thịt băm hay nấu cua. Ngoài ra, hoa thiên lý xào thịt bò hay dùng chung với các món lẩu cũng rất đặc sắc. Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, loại hoa này còn mang tác dụng giải nhiệt, giúp ngon giấc.

Nguồn Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới