Bạn đã biết đến những lễ hội đặc sắc của Lai Châu chưa?

Nhắc đến Lai Châu người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất mang vẻ đẹp vừa quyến rũ vừa hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Không những thế Lai Châu còn được biết đến là nơi diễn ra các lễ hội đặc sắc của từng dân tộc sinh sống ở đây, đến vùng đất này bạn sẽ được hòa mình cùng những lễ hội ấy.

 

Lễ hội Hoa Ban

Lễ hội Hoa Ban thường được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch, đây cũng chính là thời điểm hoa ban nở trắng rừng báo hiệu những ngày mùa xuân. Đây là một lễ hội Lai Châu được mong đợi nhất. Lễ hội là sự tưởng nhớ đến câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau, cô gái chết hóa thành những bông hoa ban nở trắng rừng. Lễ hội hoa ban Lai Châu hiện nay trở thành mùa tình yêu của các cô gái và chàng trai Thái. Ngày hội sôi nổi những trò diễn độc đáo của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu hái hoa. Nếu bạn du lịch mùa lễ hội Lai Châu sẽ được hòa mình vào không khí đậm tình yêu và hạnh phúc này.

Lễ hội Xên Bản, Xên Mường

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường, cầu mong được ấm no, hạnh phúc…Lễ hội thường tổ chức vào ngày Thìn tháng 2 âm lịch. Mỗi Mường chọn địa điểm, thời gian, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau.Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp, ném còn, cùng các điệu múa dân gian. Trong trò chơi ném còn, trước khi bắt đầu, người ta lập đàn tế còn dưới chân cột còn cao 15m-20m. Lễ vật gần giống Xên Mường, chỉ khác là có thêm hàng trăm quả còn trên đàn tế. Tham gia trò này chủ yếu là nam thanh niên, ai ném rách tâm điểm trên đỉnh cột còn sẽ được coi là người hùng của hội…Đây quả thực là một trò chơi thú vị, đòi hỏi sự mạnh mẽ của cánh tay và một phần của sự may mắn để đem lại chiến thắng.

Mùa lễ hội nàng Han

Nàng Han là một nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng. Lễ hội Nàng Han là sự tôn vinh và tri ân nữ anh hùng. Đây cũng là dịp cầu mong sự no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng. Lễ hội thường tổ chức nhằm ngày 15 tháng 2 hàng năm tại bản Tân An, xã Mường So. Trong lễ hội có 32 bài múa dân gian của những cô gái Thái được chọn lựa và dày công tập luyện. Ngoài ra còn có những bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm. Đúng ngày chính lễ dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han để xem hát múa và tế lễ. Những vật phẩm dâng lên bao gồm hoa quả, xôi gà, và những tờ giấy bạc của đồng bào Thái. Sau những bài cúng tế của thầy mo là những điệu hát múa đã được chuẩn bị sẵn. Độc đáo hơn là phần thi bắt cá dưới suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ rất vui nhộn. Nếu bạn du lịch Lai Châu vào khoảng thời gian này thì đừng bỏ qua mùa lễ hội Lai Châu hấp dẫn.

Lễ hội Hạn Khuống

Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi. Khi nói đến Hạn Khuống, người Thái nghĩ ngay đến nơi hò hẹn – giao duyên bằng những lời ca thắm tình của nam nữ thanh niên Thái, một nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của người Thái. Hạn Khuống làm cho trai mường, gái bản Thái thêm yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, gần gũi với thiên nhiên, vì văn hóa của người Thái cũng bắt đầu từ tình yêu cuộc sống, bắt đầu từ phong tục, tập quán sinh hoạt của một tộc người luôn gắn bó với núi rừng. Có thể nói, lửa sàn Hạn Khuống sẽ thêm thắm đượm tình người khi du khách, bạn bè gần xa đến giao duyên trên sàn Hạn Khuống vào ngày lễ hội, dịp tết đến xuân sang.

Lễ mừng cơm mới của người Si La

Cuộc sống của người Si La gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới (ổm khe) của đồng bào dân tộc Si La. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Nếu ngày cúng trùng vào ngày giỗ của gia đình trưởng họ thì phải lui lại nhưng vẫn phải chọn vào một trong những ngày kể trên. Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.

Nguồn: Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới