Đắm say cùng Vũ điệu trên mây, sắc màu văn hóa vùng Tây Bắc

Lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng văn hóa dân gian Tây Bắc và không gian thiền tịnh của quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan, "Vũ điệu trên mây" đưa người xem vào một hành trình khám phá Tây Bắc, Sapa và nóc nhà Đông Dương vô cùng thú vị.

Ảnh: Kenh14.vn

Hiếm có show nghệ thuật nào hàm chứa trong đó cả yếu tố sôi động của một carnival nhiều sắc màu lẫn triết lý đậm chất Thiền như “Vũ điệu trên mây”. Người xem đã tới một lần, lại muốn thưởng thức nhiều lần hơn nữa… Nhưng “Vũ điệu trên mây” là show nghệ thuật diễn ra trong suốt 3 tháng từ 13.7-13.10 tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sapa, Lào Cai).

Chất thiền trong không gian nghệ thuật

Những điệu múa dàn dựng công phu trên nền trang phục Phật giáo cách điệu, kết hợp cùng âm nhạc giàu chất thiền từ sáo trúc, tiếng chuông, tiếng gõ mõ, lời chấp niệm... và hiệu ứng khói kỳ ảo tỏa ra từ các tháp chuông trên khu vực đỉnh Fansipan khiến người xem như được thanh lọc tâm hồn, rũ bỏ mọi ưu phiền trước khi tiếp bước hành hương khám phá quần thể tâm linh đẹp như cõi Phật cảnh tiên trên đỉnh cao Tây Bắc. Khán giả sẽ vô cùng kinh ngạc trước màn kết "Tòa sen chốn bồng lai", khi 10 khung cửi của đồng bào dân tộc ở phần một - "Vũ điệu trên mây" được sắp đặt tạo thành một đài sen lớn, các diễn viên như những áng mây trắng hòa mình với thiên nhiên, bay quyện vào đài sen tạo nên một hình tượng rực rỡ, biểu đạt cho sự thành kính chiêm bái Đức Phật.

Đắm chìm từ không gian lễ hội

Ngay từ phần mở đầu, khán giả đã được đắm chìm vào không khí lễ hội náo nức và tưng bừng của miền cao. Những dải thổ cẩm với 5 khối màu mang tính biểu trưng cao cùng điệu múa Mường Hoa cuồng nhiệt khiến cho sân khấu lễ hội bỗng hóa thành một vũ hội chung của tất cả các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Chưa hết ngỡ ngàng với những vũ điệu hoang hoải mang hơi thở đại ngàn, người xem đột ngột lạc vào câu chuyện tình yêu giữa chàng Đỗ và nàng Quyên - rạng ngời như hai bông hoa đang bừng nở giữa núi rừng. Những dải thổ cẩm biến thành hình tượng mây trời, thành những núi non trập trùng để làm nền cho đôi trẻ tìm nhau, gặp gỡ và kết duyên đôi lứa. Từ cái chung hóa thành câu chuyện riêng, từ phiên chợ đông người tới không gian riêng của lứa đôi, sự dẫn dắt tinh tế và duyên dáng ấy khiến khán giả không thể rời mắt khỏi chàng Đỗ nàng Quyên, đắm say với điệu giao duyên đậm màu Tây Bắc, để nở nụ cười viên mãn nhớ về một thời đã từng náo nức với thứ cảm xúc ngọt ngào như mê, như say của chính mình. Khi hạnh phúc đã lên tới viên mãn, thì từ phía sau lưng, chuỗi âm thanh trầm hùng đột ngột vang lên. Người xem vừa kịp giật mình quay lại đã thấy sân khấu trước mặt thay đổi với đám cưới người Dao Đỏ rộn ràng và đặc trưng, đầy cuốn hút. Với nhiều người, đây cũng là lần hiếm hoi họ được chiêm ngưỡng một phần của nghi thức cưới hỏi đặc sắc của người Dao bản xứ.

Không gian hiện thực hóa văn hóa Tây Bắc

Lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng văn hóa dân gian Tây Bắc và không gian thiền tịnh của quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan, "Vũ điệu trên mây" đưa người xem vào một hành trình khám phá Tây Bắc, Sapa và "nóc nhà Đông Dương" theo một cách thú vị, huyền diệu. Ở phần đầu "Vũ điệu trên mây", không gian Tây Bắc mở ra bằng thanh âm của gió và lá. Tiếng thoi đưa, nhịp khung cửi rộn ràng, trai làng gái bản vừa lao động, vừa nhảy múa. Truyền thuyết về loài hoa đỗ quyên vốn là biểu trưng nơi núi rừng Hoàng Liên được đặc tả bằng tiếng gọi kiếm tìm nhau tha thiết của tình yêu, bằng cuộc gặp gỡ trong phiên chợ tình của chàng Đỗ và nàng Quyên, qua nghệ thuật múa dân gian đương đại cùng kỹ thuật múa Duo. Một đám cưới người Dao Đỏ đặc trưng của vùng cao Tây Bắc tái hiện sống động, để rồi những lát cắt đậm sắc màu Tây Bắc ấy kết lại bằng màn múa Vũ hội Mường Hoa với ngập tràn cảm xúc hạnh phúc khi người dân vùng cao sống trong một không gian đẹp như thơ giữa núi rừng, thung lũng. Bằng nghệ thuật chuyển cảnh ấn tượng qua cách biến chuyển các đạo cụ, khi người xem chưa kịp tỉnh sau cơn say vẻ đẹp mê hoặc của nhịp sống vùng cao, "Vũ điệu trên mây" lập tức dẫn dắt họ tới một miền "tâm linh hội tụ" huyền hoặc, an nhiên trong phần hai của show diễn.

Đến không gian văn hóa tâm linh

Ảnh: Kenh14.vn Đúng vào lúc cảm xúc đang thăng hoa nhất, tiếng chuông chùa chậm rãi tầng tầng đột khởi lên. Trong phút chốc, những chợ tình, đám cưới... đã biến thành một không gian tâm linh với màu áo trắng tinh khôi, bay trong gió trời. Giữa không gian liêu trai, hoang hoải, tiếng chuông trầm đục, tiếng gõ mõ đều đặn và lời kệ huyền bí làm nền cho màn “tâm linh hội tụ” càng khiến tất cả cảm xúc lắng đọng lại. Có cảm giác, mỗi vũ công đều như hướng tâm về đất Phật. Một loạt động tác chú niệm, tụng kinh... được cách điệu hóa một cách khéo léo khiến cho người xem được thanh lọc tâm hồn, rũ bỏ mọi ưu phiền trước khi tiếp bước hành hương khám phá quần thể tâm linh đẹp như cõi Phật cảnh tiên trên đỉnh cao Tây Bắc. Chỉ trong 20 phút ngắn ngủi, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã dẫn dắt khán giả trải qua rất nhiều cung bậc của mỹ cảm, đủ say mê, nhưng cũng đầy thâm trầm. Thứ mỹ cảm khiến cho hầu hết những kẻ tay ngang về nghệ thuật, một lần trải nghiệm, cũng đủ nhận ra nét bản nguyên tĩnh lặng của Thiền trong một không gian đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc, để rồi ngẩn ngơ, nuối tiếc và nhất định sẽ quay trở lại nhiều lần sau…

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới