Du lịch Quảng Bình đi tìm dấu tích làng gốm Mỹ Cương xưa

Có lẽ khi nhắc đến Quảng Bình người ta thường chỉ nghĩ ngay đến hang động, các danh thắng làm say lòng người, nhưng ít ai biết đến nơi đây còn có một làng gốm vang danh từ xưa. Nếu có về miền Trung du lịch Quảng Bình, hãy đến Đồng Hới để được nghe kể về một thời hoàng kim của nghề làm gốm ở làng gốm Mỹ Cương này nhé.

Làng gốm Mỹ Cương chỉ cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng vài cây số và cũng là một làng quê bình dị nổi tiếng với nghề làm gốm chứa đựng những nét văn hóa, lịch sử có giá trị. 

Làng gốm Mỹ Cương một thời vang bóng

Theo cuốn Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú thì làng Mỹ Cương xưa là một cộng đồng thợ thủ công chuyên sản xuất đồ gốm và sản xuất gạch ngói. Làng gốm Mỹ Cương ở bên tả ngạn con sông nhỏ Phú Vinh, một nhánh của sông Lệ Kỳ. Mỹ Cương đã có cách đây khoảng 450 năm. Nhiều cụ phụ lão cao niên cho rằng, làng quê này có gốc gác từ làng Ngọa Cương, ở Tuyên Hóa nhưng theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, địa danh này đã có từ thời Trịnh – Nguyễn. Mặc dù chẳng thể biết chính xác làng gốm Mỹ Cương có từ năm nào, nhưng có thể thấy rõ được một điều là sản phẩm gạch ngói và gốm sứ Mỹ Cương đã được ca tụng và vang danh ở khắp nơi, mọi nẻo, như cụ Nguyễn Tú từng khẳng định: “Hầu như không có nơi nào dựng đình chùa mà không tìm đến Mỹ Cương đặt hàng ngói gạch. Bởi tấm ngói Mỹ Cương là loại ngói liệt, nhỏ, mỏng, nhưng trăm ngàn vạn tấm đều bằng phẳng, không bao giờ cong vênh, nên khi lợp lên mái đình, mái chùa rất phẳng, khít khao, không bao giờ dột”.

Nghề xưa còn ở đất này

Gạch Mỹ Cương cũng nức tiếng gần xa bởi hình dáng vuông vắn, góc cạnh thẳng tắp. Tích cũ kể lại rằng khi vua Minh Mạng cho xây thành Đồng Hới, làng Mỹ Cương là nơi cung cấp các loại gạch đặc biệt để xây nên bức thành lũy vững vàng còn sót lại cho đến hôm nay. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, làng gốm Mỹ Cương đã không còn đỏ lửa. Những lò nung khi xưa nay chỉ còn là những tàn tích bị chôn vùi dưới lớp đất đá hàng chục năm qua. Nhưng thẳm sâu trong ký ức của người làng Mỹ Cương xưa, họ vẫn hoài niệm về một làng nghề từng nức tiếng trong và ngoài nước. Ngày nay, ngay trong những bụi tre um tùm bên bờ sông Mỹ Cương, vẫn còn lại một bầu ống khói khá lớn nằm lộ thiên. Với người Mỹ Cương, đó là những chứng tích chất chứa nhiều hoài niệm đẹp. Nhiều đổi thay đã khoác áo lên mảnh đất này nhưng những dấu tích năm xưa vẫn còn lưu lại đến hôm nay như một chút hoài niệm về một nghề đã từng gắn bó máu thịt với bao đời ông cha họ.

Các di vật còn sót lại ở làng gốm Mỹ Cương

Tháng 3 - 1997, các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành khai quật tại Mỹ Cương. Trong 3 lò gốm được khai quật, các nhà khảo cổ học Nhật Bản cho biết: lò gốm sớm nhất ở đây được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, muộn nhất là cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tại đây còn có các mảnh gốm của các lò gốm Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, là những lò gốm rất nổi tiếng trong lịch sử nghề gốm của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh, đã giúp cho các nhà khảo cổ học xác định tuổi của lò gốm Mỹ Cương khá chính xác. Qua các nhà khảo cổ học Nhật Bản, chúng ta được biết từ xưa gốm Mỹ Cương đã có mặt ở Nhật Bản và Ai Cập. Qua cuộc khai quật các lò gốm cổ tại Mỹ Cương cho thấy đồ gốm được sản xuất ở đây gồm ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, bình vôi, chum, vại, ang, hũ, vò, ngói liệt... Các sản phẩm đều được tráng ngoài bằng một lớp men nước tro để khi nung chín sẽ tạo cho da của gốm có màu nâu đậm khá đẹp. Các sản phẩm không được tạo hoa văn bên ngoài, cũng có một số hoa văn hình sóng nước, hình chải lược, hình tam giác.

Sự khác biệt khiến người Nhật phải say mê

Theo nghiên cứu cho thấy, người Nhật rất thích sử dụng gốm Mỹ Cương để phục vụ cho trà đạo. Bởi chúng nặng, chắc khỏe, giữ được hương vị nguyên chất của trà, lại rất bình dị, gần gũi với người Nhật và văn hóa Nhật. Một điểm khác rất đặc biệt của những bộ trà này là người thợ Mỹ Cương có một bí quyết riêng để tạo ra những chiếc chén trà nhỏ dù có nghiêng ngã cỡ nào cũng tự đứng thẳng dậy, chứ không lăn tròn rồi rơi vỡ như những loại chén bình thường khác. Các sản phẩm đều được láng ngoài bằng một lớp men nước tro để khi nung chín tạo cho da của gốm có màu nâu đậm khá đẹp.

Điều gì làm nên sự quý giá của gốm Mỹ Cương?

Ảnh: Gstockstudio Dân Mỹ Cương xưa làm nghề nông và gốm, trong đó nghề gốm là chính. Trời phú cho người Mỹ Cương đôi bàn tay tài hoa và cũng ban phát cho nơi đây một đặc ân hiếm có, đó là những vỉa tầng đất sét màu nâu nằm ngay cạnh con sông nhỏ Mỹ Cương. Đất sét ở đây được thành tạo trong một thềm sông cổ không lớn ở cạnh làng, bên bờ trái sông Phú Vinh. Đất sét có màu nâu đỏ mà dân gian gọi là "đất gân trâu", rất mịn, dẻo và dai. Lớp đất sét này nằm dưới lớp đất mặt (đất canh tác) ở độ sâu 30 - 40cm và dày từ 1.5-2m. Trữ lượng đất sét ở đây còn lại khá nhiều, tuy nhiên chưa được đánh giá lại.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới