Du lịch Tết Nguyên Đán, thăm làng nghề truyền thống ở Hải Dương

Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, làng nghề nổi tiếng, Hải Dương được rất nhiều bạn trẻ chọn làm điểm dừng chân du lịch lý tưởng. Bên cạnh những điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa, tâm linh, Hải Dương cũng có rất nhiều làng nghề - địa điểm tham quan lý tưởng cho các bạn trẻ ham mê khám phá.

Nếu Tết này bạn muốn đổi gió, sao không thử trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống?

Làng gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 và rất phồn thịnh ở thế kỷ 15 và 16, chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”. Các sản phấm gốm của Chu Đậu gồm: bát, đĩa, ấm, chén, bình, âu, liễn, chậu, bình vôi, lư hương … với hình dáng được chắt lọc kế thừa sự thanh thoát của thời Lý, chắc khoẻ của thời Trần. Các loại men nổi tiếng một thời của Chu Đậu được biết đến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm, men tam thái (được vẽ bằng ba màu men là xanh lục, đỏ và vàng). Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác. Người thợ gốm xưa đã thổi hồn dân tộc vào những nét hoa văn phong phú, phản ánh sinh động thiên nhiên vào cuộc sống dân dã: hình người đội nón, áo dài, mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa đào, đàn chim ngói, chim cu bay trên cánh đồng... Phương pháp chế tạo và kỹ thuật của Chu Đậu đã đạt trình độ cao: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều đoạn rồi lắp ghép lại, gia công bằng cách đắp nối, vẽ, khắc, vạch, nặn, đúc.

Làng mộc Đông Giao

Trong sách Hải Dương phong vật khúc khảo thích, Trần Đạm Trai đã phản ánh sự khéo léo và tài năng của thợ chạm khắc gỗ làng Đông Giao bằng các câu thơ: “Vẩy mũi chàng nên hình long phượng - Thợ Đông Giao mẫu dạng đâu hơn”. Nghề chạm chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như bàn thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Ngoài ra, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cho đến nay, người Đông Giao vẫn còn tự hào mỗi khi nhắc đến công lao của những người thợ tài hoa quê mình trong việc xây dựng Kinh thành Huế xưa kia. Thợ Đông Giao có sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên qua thời gian, họ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú đa dạng. Nếu như trước đây là đồ gia dụng và đồ thờ cúng thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam như tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại... Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu ra các nước phải được thể hiện trau chuốt hơn, đa dạng hơn theo yêu cầu khách hàng. Chạm khắc gỗ là một nghề thủ công đặc biệt, không đơn thuần mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn là một nghề mang nặng giá trị văn hoá - nghệ thuật, vì qua đó nghệ nhân đã khắc hoạ được khát vọng của con người, tư duy con người và sự cảm nhận nghệ thuật của con người. Đồng thời qua đó đã lưu lại được những sắc thái văn hoá quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và cũng qua đó, thể hiện được cái riêng của nền văn minh phương Đông.

Làng rối nước Thanh Hải

Qua hàng trăm năm lưu truyền và gìn giữ, rối nước phường An Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà được biết đến như là một trong những cái nôi của bộ môn nghệ thuật này. Theo lưu truyền tại địa phương, phường rối nước ở đây có từ thời hậu Lê, do một người làng An Liệt đi làm ăn xa, được xem Múa rối nước, thấy hay nên đã học, về làng lập ra phường và hành nghề. Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, được tạc chau chuốt, với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, thể hiện tính cách cho từng nhân vật. Các con rối thường lộ vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và có tính tượng trưng cao. Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp “máy” điều khiển (máy sào và máy dây) cho con rối cử động. Nghệ thuật rối nước dùng mặt nước, nhà rối hay thủy đình làm sân khấu. Thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao, với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò, để điều khiển con rối. Thủy đình di động, có diện tích khoảng 30m2, xưa thường được làm bằng tre, nứa, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng (hàng mã) và tên phường rối... Ngày nay, ở phường rối nước, thuỷ đình đều được xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chắc chắn trên các ao làng. Mức nước đảm bảo là 0.8m, được hòa phẩm màu xanh lục. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới