Gửi chút thanh xuân ở Lăng Cô, Huế

Nằm giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế, biển Lăng Cô cùng với đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã và làng chài cổ đã tạo nên một khung cảnh hài hòa, giao cảm đến tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người.

 

Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân dài 20km là ranh giới địa lý tự nhiên giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đèo được mệnh danh là con đèo hiểm trở nhất Việt Nam với độ dốc đứng 45 độ, có những khúc cua rất ngặt và được ví như khúc ngoặt bất tử. Đèo Hải Vân còn có 2 tên gọi khác là Đèo Ải Vân hay Đèo Mây, có độ cao 500m so với mặt nước biển và thường xuyên mây phủ tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp giống như chốn bồng lai tiên cảnh. Con đường đèo uốn lượn quanh co, đường hẹp và nổi tiếng với độ nguy hiểm nhất của cả nước. Tuy nhiên thì cái gì cũng có những giá trị riêng của nó, khi nhìn từ trên xuống đèo Hải Vân rất đẹp và hùng vĩ. Khám phá đèo Hải Vân vào những ngày đẹp trời để thỏa thích chiêm ngưỡng bức tranh núi đồi, biển cả, mây trời hòa quyện và ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, hay vịnh Lăng Cô và đầm Lập An ... bên bờ cát trắng phau.

Vườn Quốc gia Bạch Mã

Cách thành phố Huế 40km, vườn quốc gia Bạch Mã là một điểm đến thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài mê khám phá. Cảnh vật ở đây hoang sơ, yên bình, những ngày có mây trôi bồng bềnh rất đẹp. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi Bạch Mã đánh cờ. Khi các tiên ông ngồi tỉ thí, ngựa mải mê tìm cỏ non tơ. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như ngựa trắng, quanh năm chờ chủ ở Bạch Mã. Dạo bước lang thang trên những con đường mòn trong khuôn viên vườn quốc gia là một hoạt động trải nghiệm không thể bỏ qua. Không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên dọc Đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao, đường mòn Đỗ Quyên dẫn đến thác Đỗ Quyên, đường mòn Vọng Hải Đài, đường mòn Ngũ Hổ… mà còn có cơ hội khám phá những cây cổ thụ quý hiếm có tên trong sách đỏ. Nếu là một người thích khám phá thiên nhiên trên những cung đường thì đây sẽ hành trình lý tưởng dành cho bạn.

Biển Lăng Cô

Lăng Cô hoang sơ với bãi cát trắng dài thoai thoải, lẫn dần vào làn nước xanh biếc màu ngọc bích. Mùa tắm biển ở đây từ tháng 4 đến cuối tháng 7 với nhiệt độ trung bình là 25 độ C, rất lý tưởng cho những người yêu thích biển. Đến Lăng Cô bạn không chỉ là tắm biển, thăm thú, khám phá vẻ đẹp e ấp của “cô gái làng chài” mà bạ còn được thưởng thức những món đặc sản khó quên như cháo tôm, mực, cá tươi, mắm sò Lăng Cô với hương vị rất “Huế”...

Sông Hương

Được hợp thành từ 2 con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương là một con sông thơ mộng chảy qua thành phố Huế. Như một dải lụa mềm mại dài miên man, sông Hương uốn lượn chảy qua bao cảnh đẹp xứ Kinh kỳ mộng mơ, từ khu vườn Vĩ Dạ với những thảm cỏ xanh tươi, qua ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính văng vẳng tiếng chuông ngân nga, rồi rẽ vào sông Bạch Yến để lãng đãng phiêu du cùng mây gió. Sông Hương như một nét vẽ mềm mại và dịu êm trong bức tranh xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ và hữu tình. Dòng sông đã mang lại cho mảnh đất cố đô này một chất thơ nhẹ nhàng, trầm lắng và hài hoà trong nét đẹp của chiều sâu văn hiến. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời dần khuất sau những đỉnh núi cao vời vợi toả những ánh sáng yếu ớt còn sót lại trong ngày, dòng Hương Giang như được khoác lên mình tấm áo màu vàng cam ấm áp. Cảnh vật như đang lắng xuống trong không gian yên tĩnh lạ lùng và chìm vào một màu tím nhạt đặc trưng, có lẽ vì thế mà xứ Huế lại được mệnh danh là “thành phố buồn”.

Chùa Thiên Mụ

Nằm ở tả ngạn sông Hương, trên ngọn đồi Hà Khê thơ mộng, cây xanh phủ dày, gió mát rượi bốn mùa, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về hướng Tây, chùa Thiên Mụ nằm giữa một không gian non nước hữu tình, đã từng là nguồn cảm hứng của bao tác phẩm thi ca nhạc họa. Được chính thức khởi lập vào năm Tân Sửu, tức 1601, chùa thiên mụ vào thời Chúa Tiên (Chúa Nguyễn Hoàng), vị chúa đầu tiên của xứ Đàng Trong, chùa Thiên Mụ trải qua nhiều lần trùng tu, nhiều biến cố, chịu thiên tai đổ nát rồi lại được xây dựng lại, mở rộng thêm, cho đến nay vẫn sừng sững nét oai nghiêm, và mang nét đẹp bền vững với thời gian. Từ bến sông Hương nhìn lên chùa, sẽ thấy ngay Tháp Phước Duyên đứng ngay giữa sân, trước cổng chùa, oai nghiêm cao vút vươn lên trời. Tháp được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844, hình bát giác cao 21m bao gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có những tượng Phật đặt bên trong. Tháp Phước Duyên nhìn từ bên ngoài giữa trời xanh nắng vàng. Tháp Phước Duyên nhìn từ bên ngoài giữa trời xanh nắng vàng. Qua khỏi Tháp Phước Duyên là Điện Đại Hùng, ngôi điện chính trong chùa, một công trình kiến trúc được bảo tồn khá nguyên vẹn dù trải qua nhiều biến cố của thời cuộc. Vẻ đẹp của điện Đại Hùng vừa cổ kính thâm nghiêm, vừa nguy nga đồ sộ. Từ sân chùa nhìn xuống là dòng sông Hương lững lờ trôi nhẹ nhàng giữa vùng trời nước mênh mông thăm thẳm. Những chiếc thuyền neo đậu hiền hòa dưới bến, chờ đợi những người khách đang viếng thăm chùa. Những hàng thông ba lá của xứ ôn đới kỳ lạ lại luôn tỏa một màu xanh tươi mát ở đây, xõa bóng xuống che các khoảng sân chùa mát rượi. Đến viếng chùa là quên hết mệt nhọc, nóng bức hay đường xa. Đến đây, chỉ còn sự thanh bình, thư thái, mát dịu trong tâm hồn.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới