Khám phá những trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền

Trong những ngày đầu năm mới, khắp mọi nơi từ nông thôn cho đến thành thị mọi người đều nô nức tham gia các trò chơi dân gian đã được hình thành từ lâu đời. Người lớn thì kéo co, thi vật, trẻ em thì nhảy dây, chơi chuyền... Tất cả đều tạo nên không khí vui tươi cho ngày Tết.

 

Chơi cờ người

Ảnh: "Vietnammoi.vn" Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ thường ở khoảng sân đất rộng như sân đình, chùa. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề và thống nhất, có lọng che nên sân chơi cờ người rất rực rỡ, đẹp mắt. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn là một cuộc đấu trí mang đậm bản sắc dân tộc Việt nên thường được duy trì trong ngày Tết Cổ Truyền.

Đập niêu đất

Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình hay trên sân rộng. Trước khi chơi người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát. Trước khi chơi trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ.

Kéo co

Ảnh: "Thời đại" Trò chơi kéo co được biết đến như trò chơi dân gian truyền thống, môn thể thao mang tính đồng đội, thường có mặt trong lễ hội, sự kiện sinh hoạt cộng đồng lôi kéo nhiều người tham gia. Nghi lễ và trò chơi này thường được thực hành ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội. Đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt và là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy. Tùy vào mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định.

Chơi đu

Chơi đu là trò chơi xuất hiện rất sớm trong văn hóa làng quê Việt Nam. Theo đó, trò chơi sẽ được tổ chức vào những ngày trước Tết, khoảng 27-28 tháng Chạp tại những khu bãi đất rộng trước sân đình, chùa của làng. Cây đu được cấu tạo gồm 4 cây tre lớn tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau. Tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắn để người đu cầm được khi đu, bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi, đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng của người chơi, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng và thường đu cao tít lên. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa Xuân, vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân thì đều phơi phới đam mê muốn kết duyên, tìm bạn.

Đấu vật

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết dịp Hội. Ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong ba ngày tết. Tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác.

Nguồn: Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới