Nao nức không khí đón Tết cổ truyền khắp Đông Bắc Á

Giống như đa số các nước tại khu vực Châu Á, các quốc gia của vùng Đông Bắc Á cũng có tục lệ đón Tết Nguyên Đán, đây được xem là dịp gia đình đoàn tụ và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tết Nguyên đán đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Nếu xuân này bạn muốn đón một cái Tết mới lạ, hãy cùng đến và tận hưởng vị Tết đậm nét cổ truyền, cùng nhau hành hương hái lộc, cầu bình an, đón niềm vui ở các nước Đông Bắc Á trong năm mới.

Đón Tết tại Triều Tiên - Quốc gia bí ẩn nhất thế giới

Kể từ năm 1989, Triều Tiên mới chính thức coi Tết Nguyên đán là một ngày lễ Tết quan trọng của đất nước. Nhưng đến nay, nó đã dần trở thành một phần văn hóa truyền thống không thể thiếu ở nơi đây. Tết của người Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói, bện người rơm rồi vứt ở ngã tư đường để tống khứ mà quỷ, đốt tóc xua đuổi bệnh dịch và tổ chức đón trăng mọc. Vào đêm 30 tết, các gia đình Triều Tiên sẽ quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối, tranh Tết và làm cơm cúng lên tổ tiên giống với hầu hết các quốc gia khác. Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món "cơm thuốc". Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Ấm cúng và sum vầy trong tết cổ truyền Hàn Quốc

Tết cổ truyền Hàn Quốc còn được gọi là Seollal, kéo dài trong 3 ngày đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch mang đến không khí vui tươi, đầm ấm bên gia đình. Vào ngày mùng một, người dân bày biện mâm cỗ cầu kỳ với hơn 20 món mang nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau để cảm tạ ông bà tổ tiên. Trong đó, đặc biệt phải kể đến món canh bánh gạo Tteokguk mang ý nghĩa thêm một tuổi mới, sung túc và hạnh phúc. Ngoài ra còn có các món khác như bánh bao hấp, thịt viên bulgogi, kim chi… và uống rượu Gui Balki Sool để lấy may mắn. Theo phong tục truyền thống, sau khi cúng bái tại gia người dân thường mặc Hanbok đi tảo mộ, thăm họ hàng, dạo phố… Ở một số nơi, họ còn chào đón năm mới bằng cách đi thăm bãi biển phía Đông - nơi có thể nhìn ngắm những tia nắng đầu tiên của mặt trời, hay tham gia vào các trò chơi thú vị như yutnori (ván gỗ dùng gậy), thả diều, kéo co, bập bênh… mang đậm văn hóa Hàn Quốc.

Trung Quốc - Lễ hội của mùa xuân

Tết cổ truyền được tính từ ngày đầu tiên của tháng giêng âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng rằm tháng giêng. Khắp nơi, từ nhà cửa đến đường phố đều được trang trí lồng đèn rực rỡ, câu đối đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, được người dân ưa chuộng. Đêm giao thừa, đốt pháo như một cách xua đuổi những điều không may mắn. Sáng mùng một, mọi người lên chùa thắp hương lễ Phật và gia đình sum họp đầu năm thưởng thức 7 món ăn đem lại nhiều may mắn, tài lộc như: há cảo, chả giò, bánh trôi tàu, bánh gạo nếp, mỳ trường thọ, thịt gà, cá. Tết cổ truyền Trung Quốc còn được biết đến như lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hấp dẫn như múa lân, sư, rồng, biển diễn ca múa nhạc... Đến đây, bạn sẽ hòa mình vào không khí vui tươi trong tiếng kèn, pháo, hòa trong những ca khúc đón năm mới vang lên khiến lòng ai cũng rộn ràng khó tả.

Sôi động các lễ hội Nhật Bản

Là quốc gia chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, Nhật Bản ăn Tết theo dương lịch nhưng ngày Tết vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Tuy không được đón Tết Âm Lịch như những quốc gia Đông Bắc Á khác, nhưng tại Nhật Bản vẫn còn nhiều lễ hội mùa xuân vào tháng 3 vô cùng độc đáo. Lễ hội đi trên lửa Hiwatari (Fire Walking Festival) là lễ hội truyền thống của chùa Yakuoin Takaosan. Lễ hội bắt đầu diễn ra vào ngày 8/3. Tại lễ hội, các nhà sư của chùa Yakuoin sẽ đi trên lửa bằng chân không, nhằm cầu chúc cho hoà bình thế giới, sức khoẻ và cuộc sống trường thọ. Người ta cũng quan niệm rằng nếu được chứng kiến nghi lễ này sẽ đem lại sự may mắn cho du khách. Chính vì lẽ đó, vào mỗi năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách ghé thăm. Một trong những lễ hội mùa xuân Nhật Bản độc đáo mà bạn không thể bỏ qua chính là Hội chợ Anime Japan. Nếu bạn là fan của nhưng bộ truyện tranh Anime thì đây là nơi bạn không thể không đến. Anime Japan là một trong những hội chợ bán truyện tranh Nhật Bản lớn nhát thế giới. Hội chợ diễn ra từ ngày 21 – 22/3 tại Tokyo Big Site. Và không chỉ có hoa anh đào, mùa xuân Nhật Bản còn ngập tràn sắc hoa mai tuyệt đẹp. Và thêm một lễ hội mùa xuân Nhật Bản mà bạn không thể bỏ qua chính là Bunkyo – lễ hội hoa mai tại chùa Yushima Tenmangu diễn ra từ tháng 2 – đầu tháng 3. Nơi đây có tới hơn 300 cây mai nở rộ, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp mà du khách không thể bỏ qua.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới