Ngược dòng thời gian đến thăm những cổ thành Việt Nam

Dù đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại đi nhiều nhưng những tòa thành cổ với tường cao, hào sâu, cung điện, đình, đài là nơi lưu giữ các giá trị quý báu về phong cách kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

 

Thành cổ Bắc Ninh

Thành cổ Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long triều Nguyễn. Thành có diện tích 545.000m2, tường cao hơn 4m đắp bằng đất đá, sau thay bằng gạch đá, chu vi dài hơn hơn 2.000m, xung quanh có hào nước sâu bạo bọc. Trong Thành có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Đài bác vọng, kho thuốc súng, nhà Công đồng. Thời nhà Nguyễn, Thành Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Thành Bắc Ninh từng là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ thủ đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Đây cũng là một trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của trấn Kinh Bắc và của tỉnh Bắc Ninh sau này.

Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Đây là quần thể di tích tiêu biểu gắn liền với hơn 1000 năm lịch sử của kinh thành Thăng Long –Hà Nội. Nơi đây là kinh đô của Việt Nam thời Lý, Trần, Lê và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng.

Thành cổ Quảng Trị

Thành Quảng Trị nằm tại trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thành được khởi dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo tổng quát của thành Quảng Trị là cấu trúc phòng thành. Phòng thành Quảng Trị được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành có cấu trúc kiểu Vauban, là một hệ thống phức hợp bao gồm những công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính bố phòng vững chắc. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc. Mặc dù bị bom đạn cày xới, phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong những số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước.

Thành nhà Hồ, Thanh Hoá

Thành Nhà Hồ ( hay còn gọi là thành Tây Đô, thành Tây Giai) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, ở phía Tây thành phố Thanh Hóa. Đây là một ngôi thành đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Ngày nay Thành Nhà Hồ đã và đang được từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm trước hết là khôi phục và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo đã có trên 600 năm.

Thành cổ Sơn Tây, Hà Nội

Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một công trình kiến trúc quân sự cổ, được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng. Thành là tòa thành quân sự được xây bằng đá ong, có tổng thể hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m. Tường thành được xây bằng gạch đá ong, thành có 4 cổng: Ðông, Tây, Tiền, Hậu, mỗi cổng đều có Vọng Lâu. Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m. Trong thành có 4 khẩu súng ở 4 góc thành, có điện Kính Thiên (nơi nghỉ của nhà Vua khi đi kinh lý), có dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính... Hiện nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại vết tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một vài công trình còn sót lại trong khu vực thành cổ.

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm 3 vòng thành: Phòng thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Tất cả những công trình này được xây dựng xung quanh một trục chính, theo hướng Nam Bắc. Khởi đầu là Kỳ Đài (Cột Cờ), tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung và chấm hết ở cửa Hòa Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đăng đối ở hai bên đường trục. Điều đặc biệt, các quần thế kiến trúc trong kinh thành Huế, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thứ với nhiều biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành như: núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh…

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới