Thành phố Alexandria, viên ngọc quý ven bờ Địa Trung Hải

Thành phố Alexandria tuy không có bất kì bóng dáng một kim tự tháp hay xác ướp của một vị Pharaon nào, nhưng với bề dày lịch sử và sức hấp dẫn từ những công trình vĩ đại còn sót lại, nơi đây vẫn là một điểm đến lí tưởng và không thế bỏ qua khi du lịch tới Ai Cập.

 

Pháo đài Qaitbay

Pháo đài này nằm ở cổng vào bến cảng phía đông của thành phố, được xây dựng bởi vị vua Hồi giáo Sultan Qaibay vào năm 1480. Đây được coi là một trong những thành lũy quan trọng của Ai Cập nói riêng và Địa Trung Hải nói chung nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Đế quốc Ottoman. Pháo đài Qaitbay được xây dựng theo phong cách trung cổ, nằm ngay trên nền cũ của ngọn hải đăng Pharos - vốn đã bị phá hủy bởi một trận động đất vào khoảng năm 1100. Pháo đài này đã bị hư hại nặng nề trong các cuộc chiến tranh và hình dáng ngày nay của nó là kết quả của các cuộc trùng tu và tái thiết của chính quyền Ai Cập vào năm 2000 - 2001. Ngày nay, Qaibay không còn giữ bất kỳ chức năng quân sự nào nữa mà thay vào đó, nó đóng vai trò như một bảo tàng hải quân thu nhỏ. Nơi đây trưng bày rất nhiều các hiện vật còn sót lại của những trận hải chiến lớn từ thời La Mã và Napoleon. Bên cạnh đó, pháo đài này còn có một viện thủy sinh học nuôi rất nhiều các giống cá quý hiếm.

Cầu Stanley

Cầu Stanley là một địa điểm lí tưởng để tản bộ ngắm cảnh và tận hưởng làn gió biển mát mẻ của vùng Địa Trung Hải sau khi đã thưởng thức những món ngon tuyệt vời của thành phố này. Cây cầu dài khoảng 400m này là một trong những biểu tượng của thành phố Alexandria. Từ trên cầu có thể nhìn toàn cảnh tuyệt vời của biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, ở đây còn có con đường mang tên Corniche dài 30km dọc theo bờ Địa Trung Hải, vốn được coi là con đường đẹp nhất của Alexandria. Alexandria là một đô thị khá hiện đại, đâu đó phảng phất đôi chút của kiến trúc phương Tây. Bên cạnh đó, nơi đây vẫn còn lưu giữ lại được phần nào những dấu tích của một thành phố cổ vĩ đại dù phần lớn đã nằm lại dưới đáy đại dương. Chính sự hòa trộn ấy đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của thành phố vốn được mệnh danh là “viên ngọc ven bờ Địa Trung Hải” này.

Cung điện Montaza

Cung điện này được xây dựng trên một cao nguyên nằm ở phía đông thành phố Alexandria, thuộc khu đất của hoàng gia nhà Muhammad Ali. Montaza là một khu phức hợp gồm nhiều cung điện và vườn hoa tuyệt đẹp trãi dài tới 20km dọc theo bờ Địa Trung Hải. Khi nước Cộng hòa Ai Cập được thành lập, Tổng thống Anwar El-Sadat đã cho cải tạo Montaza thành dinh tổng thống chính thức. Hiện nay, cung điện Montaza đang bỏ trống và chỉ mở cửa cho khách tham quan và chụp ảnh ở khuôn viên bên ngoài. Toàn bộ khu phức hợp rộng tới 360 mẫu Anh này được bao quanh bởi những bức tường cao ở phía nam, đông, tây và bãi biển ở phía bắc. Men theo đó là các lối đi hướng ra biển Địa Trung Hải. Các khu vườn rộng lớn ở đây trồng rất nhiều cây cối và hoa cỏ, tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm.

Thư viện Hoàng gia Alexandria

Hay còn gọi là Đại thư viện, được xây dựng vào năm 2002 tại nơi chỉ cách vị trí của thư viện cũ khoảng 200m. Công trình mới này mang ý nghĩa của một sự hồi sinh mạnh mẽ cũng như khát vọng phục hưng lại thời kỳ hoàng kim của thư viện Alexandria - một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Với tổng diện tích khoảng 70.000m2 và hơn 8 triệu đầu sách được lưu trữ, đây là một trong những thư viện lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Thư viện này có tổng cộng 11 tầng, trong đó có 4 tầng nằm dưới mực nước biển. Ngoài khu vực đọc sách có thể phục vụ tới 2.000 độc giả cùng lúc và khu lưu trữ rộng lớn tới nỗi, theo ước tính phải mất tới 80 năm nữa mới có thể lấp đầy các kệ sách ở đây thì tổ hợp này còn có các công trình phụ khác bao gồm: 3 viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật nơi lưu giữ những bản viết tay cổ nhất lịch sử, khu khám phá thiên văn học, trung tâm hội nghị với sức chứa tối đa 3.500 chỗ ngồi….

Đôi nét về thành phố Alexandria

Thành phố Alexandria nằm ở phía tây đồng bằng châu thổ sông Nile, cách thủ đô Cairo 225 km và chạy dọc theo bờ Địa Trung Hải với chiều dài khoảng 32km. Đây là thành phố lớn thứ hai, đồng thời cũng đóng vai trò là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch lớn của Ai Cập. Với vị trí đặc biệt của mình, Alexandria không những là hải cảng lớn nhất Ai Cập (nơi trung chuyển khoảng 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước) mà còn là cầu nối giao thương Á – Âu đặc biệt quan trọng thông qua kênh đào Suez. Thành phố hơn 2000 năm tuổi này là một trong những thành phố cổ vĩ đại nhất trên thế giới. Trước khi thời kỳ huy hoàng của thành Rome bắt đầu thì Alexandria được coi là đô thị đông dân và sầm uất nhất của khu vực Địa Trung Hải với dân số lên đến 1 triệu người vào khoảng năm 230 TCN. Trãi qua hàng ngàn năm lịch sử, phần lớn những công trình kiến trúc của thành phố cổ đại đã bị phá hủy và chìm sâu dưới đáy đại dương. Trong đó phải kể đến ngọn Hải đăng Pharos - biểu tượng của Alexandria, đồng thời cũng là một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại, hay Thư viện Alexandria - thư viện đầu tiên trên thế giới, nơi lưu trữ rất nhiều sách quý về các dân tộc La Mã và Hy Lạp.

Thánh đường Hồi giáo Abu El Abbas El Mursi

Thánh đường Abu El Abbas El Mursi cũng chính là công trình kiến trúc lớn nhất và quan trọng nhất của người Hồi giáo ở thành phố Alexandria. Được xây dựng từ năm 1775 và tu bổ hoàn thành vào năm 1863. Sau đó, vua Farouq I đã cho làm lại thánh đường này vào năm 1943 khi ông cho xây dựng “Quảng trường nhà thờ Hồi giáo” gồm 5 thánh đường khác nhau xung quanh khu vực của Thánh đường Hồi giáo Abu El Abbas El Mursi. Nhà thờ này có diện tích lên tới 3.000m2 và được trang trí vô cùng cầu kỳ. Sàn được lát bằng đá cẩm thạch trắng, trần được nâng đỡ bởi 16 cột đá granite. Khi tới đây tham quan, du khách nam được đi vào từ cửa chính, còn nữ thì phải đi đường vòng và vào bằng lối cửa phụ ở bên hông.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới