Về Cồn Sơn gói bánh tét ngày Tết

Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mỗi khi Tết đến Xuân về đó chính là tham gia gói bánh tét cùng gia đình. Bạn chưa được trải qua cảm giác thú vị đó bao giờ, vậy hãy thử về Cồn Sơn tham gia gói bánh tét ngày Tết nhé.

Để những ngày Tết của bạn thêm phần thú vị, hãy về với vùng đất Cồn Sơn - Cần Thơ để được hòa cùng không khí gói bánh tét đón chào năm mới nhé.

Nét đẹp của truyền thống gói bánh tét ngày Tết tại Cồn Sơn

Mang trong mình vẻ đẹp hồn quê chân chất, những đòn bánh tét là một đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết ở các tỉnh miền Tây. Điểm đặc biệt, tại đây, mọi công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, giữ nguyên cách làm truyền thống, tô thêm nét đẹp quê hương trong những ngày Tết.

Tham gia vào nhiều hoạt động thú vị khác

Đến với Cồn Sơn trong những ngày năm mới bạn không chỉ được trải nghiệm làm bánh tét mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động khác nữa như: Làm người dân miệt vườn qua các trò chơi dân gian, tập làm các món bánh ngon của người Nam Bộ, đi thăm các vườn trái cây và thưởng thức các món ăn nổi tiếng,… Tất cả sẽ cho bạn một chuyến đi tuyệt vời nhất.

Tham gia gói bánh tét

Ảnh: "Vantaiachau" Tại đây, bạn có thể tham gia vào mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, tự tay chế biến ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt đậm chất Nam Bộ. Được thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon do chính tay mình làm ra.

Cồn Sơn ở đâu?

Cồn Sơn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với đất phù sa màu mỡ, vị trí nằm giữa dòng sông Hậu thuận lợi cho trồng cây ăn quả. Cồn Sơn Cần Thơ có diện tích khoảng 70ha, xung quanh là vườn tược và cây cối. Nghề truyền thống ban đầu nơi đây là khai thác nhựa cây sơn và làm gỗ, đến nay thì mai một dần và ngày nay chuyển sang trồng trọt và nuôi cá bè, bên cạnh đó còn kết hợp làm du lịch cộng đồng, thu hút rất nhiều du khách ghé đến.

Trải nghiệm làm bánh tét lá cẩm nổi tiếng tại Cồn Sơn

Để có một mẻ bánh tét ngon, quá trình chế biến rất công phu. Trước tiên phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm qua 6 tiếng sau đó để ráo, trộn với nước lá cẩm để lên màu tím đẹp mắt. Lá cẩm phải còn tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Sau khi ngâm nếp tương đối mềm thì sẽ xào chung với nước cốt dừa, nêm muối, đường trong thời gian khoảng một tiếng để màu lá cẩm và vị bó của nước dừa ngấm vào từng hạt nếp. Nhân bánh tét lá cẩm khá đa dạng, có thể bên trong là đậu xanh, thịt, trứng muối, có thể thêm tôm khô hoặc chỉ đơn giản là nhân chuối. Bánh được gói trong lá chuối tươi, không quá non cũng không quá già, được lau sạch và thoa một lớp dầu trên bề mặt để tránh nếp dính vào lá khi nấu. Công đoạn gói chính là lúc cần đến đôi bàn tay khéo léo, bánh đẹp phải đảm bảo tròn đều, sao cho nhân bánh là thịt, hay trứng muối, lạp sườn, thậm chí là nhân chuối với bánh tét chay phải được nằm đúng ở vị trí chính giữa của bánh.

Nguồn: Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới