Về Quảng Nam, chiêm ngưỡng kiến trúc những ngôi nhà cổ Hội An

Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực miền Trung Việt Nam. Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.

 

Hội quán Trung Hoa

Hội quán Trung Hoa là hội quán đầu tiên của những người Hoa sinh sống tại Hội An. Tương truyền rằng hội quán được xây dựng vào thời nhà Minh của Trung Quốc, cũng chính là thời đại người Hoa bắt đầu sinh sống tại Hội An. Ngoài việc thờ cúng Thiên Hậu, bên trong hội quán còn có những bia đá ghi chép lại một vài sự kiện lịch sử và tưởng nhớ những liệt sĩ người Hoa đã hy sinh ngoài chiến trường.

Nhà cổ Tấn Ký

Được xây dựng hơn 200 năm trước đây, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên được dáng vẻ và cấu trúc như ban đầu dù trải qua nhiều trận thiên tai khắc nghiệt. Tấn Ký là đại diện cho kiến trúc hình ống - đặc trưng của loại nhà phố lâu đời ở Hội An, gần như không có cửa sổ nhưng không hề có cảm giác nặng nề, ngột ngạt nhờ sự thông thoáng ở mặt tiền, mặt hậu và nơi giếng trời. Quan sát kĩ từng chi tiết riêng của ngôi nhà cổ này, bạn có thể thấy được thiết kế phối hợp nhiều phong cách kiến trúc ở các nước châu Á. Ví như chi tiết trồng rường giả thủ đặc trưng của Nhật, họa tiết trang trí thanh gươm và dải lụa đậm chất phương Đông và kiến trúc thuân Việt thể hiện qua những đường nét mái ngói âm dương. Hơn thế nữa, bạn còn có cơ hội được chiêm ngưỡng chén Khổng Tử, một loại chén đặc biệt có vẻ ngoài trang trí đơn giản theo kiểu Tàu.

Hội quán Quảng Đông

Trong tất cả các hội quán ở khu phố cố Hội An, hội quán Quảng Đông có lẽ là dễ nhận biết nhất với bốn cột hình rồng được chạm khắc ở cổng. Hội quán này do cộng đồng thương nhân Quảng Đông xây dựng vào năm 1885 với rất nhiều những bộ phận nhỏ của công trình được hoàn thiện tại Trung Quốc và sau đó được vận chuyển về đây để hoàn thành tòa kiến trúc. Ngoài tượng rồng bằng gốm, những chi tiết trang trí hay vật dụng ở đây như những tác phẩm điêu khắc… đều phản ánh rất rõ văn hóa ở Quảng Đông.

Nhà cổ Đức An

Nhà cổ Đức An được xây dựng theo lối kiến trúc Việt, tận dụng tối đa ánh sáng tạo không gian thoáng đãng, sử dụng vật liệu chính là gỗ kiềng kiềng có sẵn ở vùng Quảng Nam với ưu điểm có thể chống chịu với thời tiết nóng ẩm ở mảnh đất miền Trung. Mỗi ngày nhà cổ Đức An đều đón tiếp nhiều du khách đến thăm quan. Họ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, tĩnh lặng của những mái ngói rêu phong; thưởng lãm cái thư thái trong từng nét kiến trúc Việt và để được sống với một thời dĩ vãng. Dù vòng quay thời gian cứ đều đặn chuyển động từ năm này qua năm khác, thì Nhà cổ Đức An vẫn còn đó như một “nhân chứng sống” của lịch sử, lưu giữ những giá trị văn hóa mà ông cha để lại. Nhà cổ Đức An còn là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam, cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam, và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới