Ẩm thực Tây Tạng, lạ mà quen

Khi có dịp đến thăm Tây Tạng, ngoài phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời thì thưởng thức ẩm thực xứ du mục cũng là một trong những điều mà nhiều du khách không thể bỏ qua được.

Do đặc điểm địa hình có nhiều núi đồi người Tây Tạng không lấy gạo làm nguồn lương thực chính như Trung Quốc hay Ấn Độ. Thay vào đó, họ trồng lúa mì và lúa đại mạch và từ chính đặc điểm này tạo nên nét đặc trưng trong cách chế biến và thưởng thức ẩm thực tại đây.
 
Bên cạnh đó, lối sống du canh du cư cùng sự khắc nghiệt của thời tiết cũng ảnh hưởng đến nét ẩm thực của Tây Tạng nên hầu hết các món ăn tại đây đều chứa rất nhiều năng lượng. Từ những chế phẩm từ phô mai hay đặc biệt nhất là món trà bơ po-cha đều có hàm lượng calo cao, chẳng thế mà có khi, người Tây Tạng uống đến cả ...60 cốc trà bơ mỗi ngày.

Trà bơ Yak

Bơ được làm từ sữa bò Yak có chất béo gấp 2 lần loài bò bình thường và được dùng nhiều trong chế biến ẩm thực của người Tây Tạng. Phổ biến nhất phải kể đến món trà bơ, gồm thành phần chính là bơ, lá trà và muối. Đây là thức uống chủ đạo của Tây Tạng, không những ngon mà còn có dinh dưỡng rất cao, có thể kịp thời bổ sung nhiệt lượng cho bạn trong những ngày du lịch bận rộn. Trà bơ sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt, uống vào vừa đỡ khát vừa đỡ đói, lại có thể chống cảm và giảm bớt những phản ứng do không thích nghi với không khí loãng vùng cao nguyên.

Trà ngọt

Cũng giống như trà bơ, trà ngọt là thức uống được dùng hằng ngày của người Tây Tạng. Món trà ngọt được pha chế từ trà đen nóng, sữa tươi hoặc sữa bột và đường, hương vị thơm ngọt, độ dinh dưỡng cao.

Thenthuk

Là một món mì lạnh với nhiều rau, điểm đặc biệt là mì này thường có sợi rất dày, được phục vụ trong 1 bát lớn cùng thịt và 1 số loại rau. Bạn sẽ thấy ấm dần lên khi thưởng thức món ăn này đấy.

Lapping

Lapping hay món mì nguội mang nhiều điểm tương đồng với món mì trộn Trung Hoa, với phần sợi mì trong suốt, dai dai, ăn kèm với hành lá cắt nhỏ và ớt sấy. Món này cũng thường được ăn cùng với với khoai tây thái viên.

Momos

Đây được xem là món ăn truyền thống của người Tây Tạng, nhân bánh được chế biến với nhân thịt bò ăn cùng với nhiều loại nước sốt. Khi nhìn qua món này, bạn có thể liên tưởng ngay đến món há cảo của Trung Quốc nhưng khi thưởng thức bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt với hương vị của thịt bò tươi ngon hòa trộn cùng các loại nước sốt đặc trưng làm bạn chỉ muốn ăn mãi không thôi.

Shabhaley

Là một món ăn được nhồi với thịt bò và bắp cải, sau đó được làm thành hình bán nguyệt hoặc hình tròn. Tùy theo cách biến thể của từng vùng, miền mà chiên dầu hoặc chiên áp chảo.

Tingmo

Tingmo là một loại bánh hấp đặc trưng của người Tây Tạng, cũng tương tự như các loại bánh bao của người Trung Hoa nhưng hầu hết loại bánh Tingmo thường không có nhân.

Dresil

Đây là một món ngọt của Tây Tạng được nấu với gạo, sau đó trộn thêm bơ nhạt, hạt điều và một số loại quả khô. Dresil được người Tây Tạng dùng trong những ngày quan trọng của năm như cưới hỏi, ngày Phật lịch hay ngày đầu năm mới với lòng tin sẽ đem lại may mắn, bình an cho họ trong suốt cả năm.

Bánh Tsampa

Đây được xem là món ăn đặc sản của người Tây Tạng, bánh được chế biến từ lúa mạch hoặc đậu Hà Lan sau khi đã xào chín, đánh nhuyễn với trà bơ, sau đó vo viên thành bánh, tùy theo người chế biến mà bánh sẽ có nhiều hình dạng khác nhau.

Amdo Balep

Là một loại bánh mì của người Tây Tạng chứa nhiều chất dinh dưỡng, thường được dùng vào buổi sáng. Theo truyền thống, chúng sẽ được làm ra từ những lò nướng chuyên dụng và có kích cỡ khá lớn.

Khapsey

Bánh quy Tây Tạng được chiên giòn thường dùng trong các dịp lễ như tết Tây Tạng hoặc đám cưới. Khapseys được làm thành nhiều hình dáng đa dạng. Vài loại còn được phủ đường, trong khi các loại khác như loại khapseys hình tai lừa thì được dùng để trang trí.

Nguồn: Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới