Bhutan hạnh phúc có dễ tìm?

Một lần đặt chân đến “Cõi hạnh phúc” này bạn sẽ cảm nhận được hơi thở của thiên đường trong từng ngóc ngách của cuộc sống. Những cảnh đẹp hoang sơ, cùng sự sung túc và niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người dân… là những dấu ấn không thể phai mờ trong lòng du khách đã từng ghé thăm.

 

Đề cao hạnh phúc và giá trị con người

Cuộc sống không bon chen rõ ràng đã mang lại cho người dân Bhutan một thái độ điềm tĩnh sống, không ganh đua, lừa lọc, mưu cầu. Người Bhutan phần lớn theo đạo Phật, một trong những tôn giáo đề cao sự từ bi nhất trên thế giới. Đó là lý do người Bhutan tin vào cuộc sống tinh thần và rất biết chăm lo cho đời sống tinh thần của mình thay vì chỉ chăm chăm vào của cải vật chất. Ở đây không có quá nhiều nhu cầu vật chất, họ hài lòng với một cuộc sống “đủ”, dù có thể không “đầy”. Họ cũng được học tiếng Anh, tiếp cận internet, chơi mạng xã hội… để nhìn ra thế giới bên ngoài. Nhưng cái hay là họ không lấy cuộc sống giàu có, tiện nghi để làm thước đo hạnh phúc. Văn hóa nói “không” với tham, sân, si chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc cho xứ sở Bhutan, và nó thể hiện qua từng hành vi của mỗi người.

Cái chết không đáng sợ

Không như nhiều nước phương Tây, người Bhutan không thích trốn tránh hình ảnh của cái chết, bạn sẽ thấy những hình ảnh chết chóc có mặt ở khắp nơi, từ trong những bức tranh vẽ cho đến những điệu múa nghi lễ. Họ đã nhận thức được rằng cái chết là một phần của cuộc sống, và vì thế mà họ thấy hạnh phúc.

Sống trong không gian xanh

Tại Bhutan, 70% diện tích được bao phủ bởi rừng, không khó hiểu khi quốc gia này có môi trường trong sạch bậc nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, các đời vua Bhutan đều giữ nguyên một quy định: Một cây bị đốn tại Bhutan, dù với mục đích tốt hay xấu thì người chặt phải trồng lại 3 cây. Người dân Bhutan vô cùng hạnh phúc khi được sống trong không khí mát mẻ, không tiếng ồn, không khói bụi đã là điều mơ ước của rất nhiều người trên thế giới.

Tự hào đất nước văn minh

Đây là đất nước duy nhất trên thế giới không có khái niệm đèn giao thông. Tại thủ đô Thimphu, dù mật độ ô tô đông trong khi đường sá nhỏ hẹp nhưng tuyệt nhiên bạn sẽ không nghe thấy một tiếng còi xe nào. Nhịp sống ở đây xa lạ với sự hối thúc, bon chen vội vã. Mọi thứ được lái đi theo một trật tự khác: trật tự của niềm tin.

Vẻ đẹp bí ẩn bên triền núi Himalaya

Thú vị hơn vẫn là hãy leo bộ qua những dãy núi trùng điệp để viếng thăm tu viện Taktsang thâm nghiêm nổi tiếng. Tu viện nằm chênh vênh trên vách núi cao ngất giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro tuyệt đẹp. Dù bạn đến đây bằng bất kỳ con đường nào, cũng đều có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Từng tầng mây bao phủ tu viện, gợi cho bạn cảm giác nửa thực, nửa mơ. Trên đường đến Thimphu, bạn tha hồ chiêm ngưỡng những hàng thông cao vút được ánh mặt trời chiếu xuyên lấp lánh và những dòng suối trong veo chảy len lỏi giữa những bờ đá. Trên đường đến Punakha, dừng chân tại đỉnh đèo Dochula cao 3100m, phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ thấy dãy Himalaya hùng vĩ và những đàn trâu zak đang ung dung gặm cỏ. Thiên nhiên hoang sơ còn dẫn lối bạn băng qua khu rừng già và thảm hoa đỗ quyên tươi thắm khám phá thung lũng Phobjikha, ghé thăm nhà dân để hiểu thêm về lối sống, phong tục và thưởng thức rượu gạo ara nồng say với vẻ đẹp huyền ảo của vùng đất huyền thoại Rồng Sấm.

Đề cao nền giáo dục

Một điều đặc biệt thú vị khác mà nhiều nước giàu không làm được như Bhutan là 100% giáo dục và y tế ở đây là miễn phí. Chương trình học toàn bộ các môn đều bằng tiếng Anh ngay từ lớp 1 trở đi. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông ở quốc gia nhỏ bé này. Các em học sinh được đến trường với tâm thế trở thành “người tốt” thay vì là “học sinh giỏi”. Giáo dục Bhutan không đề cao điểm số mà đề cao giá trị nhân văn trong mỗi con người. Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi việc câu cá ở Bhutan là không được phép nói chung. Nếu có, thì phải câu cá ở khu vực riêng và xin một loạt giấy tờ từ cơ quan chức năng rất phức tạp. Đây cũng là quốc gia tuyệt đối không được phép giết mổ bất cứ sinh vật nào dù chỉ là con cá nhỏ. Có khoảng hơn 40% người dân ăn chay tuyệt đối nói không với thuốc trừ sâu diệt cỏ, phân bón hóa học và thuốc lá bị cấm trên quy mô toàn lãnh thổ. Tất cả các loại thịt cho du khách và người dân còn lại ở đây đều được nhập khẩu từ Ấn Độ.

Lãnh đạo rất gần gũi với dân

Ban đầu, Bhutan theo chế độ quân chủ chuyên chế và mới chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến những năm gần đây. Đức vua Bhutan khi đó đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi của mình để nhân dân được thực sự làm chủ đất nước. Chính những hành động như vậy là minh chứng rõ nhất cho thấy đức vua cao quý cũng là người gần gũi, hành động vì người dân. Ngay cả khi người dân không hề đòi hỏi một sự thay đổi thể chế chính trị, đức vua cũng sẵn sàng “thay đổi giúp”.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới