Hành hương về miền Côn Sơn Kiếp Bạc

Côn Sơn – Kiếp Bạc là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, gắn liền với tên tuổi của các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Tới đây du khách không chỉ được hòa mình vào phong cảnh núi rừng hữu tình mà còn được khám phá tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

 

Giếng Ngọc

Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.

Nghi môn đền Kiếp Bạc

Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Nghi môn đền là công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, thiết kế kiểu cổng thành dạng bức cuốn thư với 3 cửa vòm và 2 trụ biểu lớn. Đây là bức tranh sinh động hội đủ tứ linh, tứ quý, khái quát cả âm dương, trời đất, thiên nhiên, con người nơi đất thánh.

Chùa Kính Chủ

Chùa Kính Chủ được tạo từ cảnh quan tự nhiên của động Kính Chủ ở xã An Sinh, làng Dương Nham, huyện Kinh Môn. Chùa thờ Phật, thờ thiền sư Minh Không, cùng vua Lý Thần Tông và Huyền Quang. Các tượng trong chùa đều được tạc hoàn toàn bằng đá. Bên trái cửa chùa có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề vịnh khi ngài tới vãn cảnh chùa. Gần chùa còn có núi Yên Phụ, thờ thân phụ của Hưng Đạo Vương là đức An Sinh Vương Trần Liễu.

Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3m, tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Trong khu chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia Thanh Hư động có từ thời Long Khánh (1373-1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia Côn Sơn thiện từ bi phúc tự đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi Người về thăm. Di tích này cũng là điểm đến của nhiều người khi đi du lịch Hưng Yên về với Côn Sơn.

Đền thờ Nguyễn Trãi

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo; với một nguồn lớn kinh phí cùng với những người có tâm đức, các Nghệ nhân và những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2.500 ngày để có được công trình hôm nay, thoả mãn cao nhất nhu cầu du lịch gắn với lịch sử và tâm linh của các thế hệ mai sau. Bên phải đền là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu đền. Xung quanh khu đền là núi non xanh mát. Ở khu đền có suối, có thông, có núi non… thế đẹp tựa như bài ca về Côn Sơn mà năm nào ông đã viết.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới