Bí kíp ẩm thực giúp người Okinawa tăng tuổi thọ

Ẩm thực Okinawa vang danh gần xa là bởi siêu tốt cho sức khỏe và tuổi thọ. Dù nhiều người cho rằng so với nền ẩm thực Nhật Bản thì món ăn ở Okinawa quá đơn giản. Nhưng cũng chính sự đơn giản trong hương vị ấy đã làm nên khác biệt, thu hút thực khách quay lại thưởng thức nhiều hơn.


Với 457 người dân trên 100 tuổi, vùng Okinawa được ví như “hòn đảo trường sinh” của Nhật Bản. Nguyên nhân giúp người dân tại nơi đây “trường thọ” chính là nhờ họ dùng những sản phẩm tốt cho sức khỏe, giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh, chế độ ăn uống khoa học cùng môi trường sống trong lành tuyệt đối.

Nakami Jiru

Cũng ging như Rafute, thịt heo là nguyên liệu chính cho bữa tiệc ẩm thực đậm chất Okinawa. Nakami Jiru là súp nấu từ dạ dày và ruột non của heo, phục vụ trong những dịp đặc biệt như Tết nguyên đán hay các ngày lễ quan trọng khác. Theo truyền thống, các bà nội trợ trong nhà sẽ dùng một cái nồi lớn có tên là Shinmenabi để nấu súp cho cả nhà cùng ăn. Ruột heo phải được rửa bằng muối và bột liên tục để tẩy bớt mùi tanh. Sau đó, người ta sẽ nấu lòng bò với nước dùng cá ngừ vằn, cho các nguyên liệu như nấm Shiitake và Konnyaku (khoai nưa). Khi thưởng thức bạn có thể cho thêm một chút gừng, và bạn sẽ cảm thấy ấm bụng lắm đấy!

Jimami Tofu (Đậu hũ Jimami)

Dù cho bạn không phải là một tín đồ của Tofu thì cũng phải thử qua một lần. Bên ngoài món ăn này trông như một chiếc bánh pudding đậu phộng vừa trắng lại vừa mềm. Công thức chế biến cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần giã nhuyễn đậu phộng và xay ra nước, sau đó cho bột khoai tây vào rồi đun sôi. Sau khi hỗn hợp đã cô quánh thì để nguội là bạn đã có thể thưởng thức cùng với siro rồi. Khách du lịch Okinawa có thể tìm thấy Jimami Tofu được bày bán cực kỳ ngon trong các cửa hàng bách hóa địa phương.

Mozuku (Sunui)

Mozuku, hay Sunui trong tiếng địa phương Okinawa, là loại rong biển nâu rất phổ biến trên đảo Okinawa. Dù loại rong biển này cũng có mặt ở những vùng khác trên xứ sở Phù Tang, nhưng Okinawa mới chính là nhà cung cấp Mozuku lớn cho thị trường Nhật Bản. Thông thường Sunui thường dùng để làm món ăn phụ. Khi chế biến người ta ngâm với dấm, hoặc đôi lúc được chiên xù làm món tempura rong biển nâu nữa. Khi ăn, bạn sẽ cảm thấy hơi nhớt nhưng lại rất dễ gây nghiện.

Cơm Taco

Cơm Taco có thể nói là sản phẩm của nền văn hóa Champurū (hỗn hợp) của Okinawa. Cơm tạo nên từ những mảnh nhỏ của các nền văn hóa khác nhau, được tẩm ướp với hương vị riêng của nó. Cơm Taco về cơ bản bao gồm: thịt, phô mai, rau diếp, cà chua và salsa (toppings cơ bản) phủ trên bát cơm trắng mang hương vị rất riêng. Dường như chẳng ai quan tâm đến việc cơm Taco là món Nhật hay món Mexico, bởi nó đơn giản là quá ngon thôi.

Zenzai

Chắc hẳn những ai có niềm đam mê với ẩm thực Nhật Bản đều đã từng nghe đến Zenzai – một món chè đậu đỏ được ăn kèm với bánh mochi, món tủ cho những ngày đông giá rét. Nhưng dưới ánh mặt trời nóng bỏng của đảo Okinawa, Zenzai lại là món ăn giải nhiệt ngày hè. Lớp đá bào mát lạnh phủ lên bởi siro đậu đỏ và sữa đặc hứa hẹn sẽ mang lại cho thực khách sự sảng khoái, xua tan đi cái nóng nực mùa hè.

Goya Champuru

Goya Champuru được xem là món ăn của mùa hè ở Okinawa. Thực khách thưởng thức Goya Champuru thường chia ra làm 2 luồng ý kiến, một là cực thích và hai là cực ghét. Goya là tên tiếng Okinawa của mướp đắng – một loại thực phẩm không chỉ được biết đến với vị đắng khét tiếng mà còn là một loại rau rất bổ dưỡng. Khi nói về lối sống lành mạnh và tuổi thọ của người Okinawa, Goya đóng một vai trò rất lớn. Nguyên liệu làm nên Goya Champuru bao gồm mướp đắng, trứng và thịt heo. Mặc dù không được trẻ em ưa chuộng, nhưng món ăn này là một thứ gì đó hoài cổ đối với người lớn địa phương, nhắc họ nhớ về những bữa ăn của mẹ.

Rafute

Nguồn gốc của Rafute đã có từ thời vương quốc Ryukyu. Người ta nói rằng, đây là một trong những món được phục vụ trong bữa ăn của hoàng tộc Ryukyu. Và cho đến tận ngày nay, bởi xuất thân “hoàng gia” nên du khách cũng không dễ gì thấy được món này trong các bữa ăn hằng ngày. Rafute là Sanmainiku – thịt ba rọi chế biến với Awamori (rượu Okinawa), xì dầu, đường nâu và nước dùng cá ngừ vằn. Thịt sau nhiều giờ hầm và khuấy sẽ rất mềm, khi thưởng thức bạn sẽ có cảm giác như đang tan vào lưỡi mình vậy.

Okinawa Soba

Mì Okinawa Soba hoàn toàn không giống với loại mì Soba bạn hay ăn ở các nhà hàng Nhật Bản. Okinawa Soba có sợi mì làm bằng bột gạo và nước cốt chiết xuất từ thịt heo và cá ngừ vằn Katsuo. Dù có rất nhiều loại mì Soba mà loại nào cũng có một hương vị đặc trưng riêng, nhưng nhân vật nổi bật nhất phải kể đến chính là mì Soki Soba với sườn heo nấu mềm, có hương vị thơm ngon tan chảy ngay trong khoang miệng. Thực chất, món mì này được ưa chuộng đến mức có hẳn một từ địa phương dành riêng cho những ai có niềm đam mê to lớn với mì Soba: Suba Jogu (“Suba” là “mì Soba” còn Jogu là “ăn nhiều”). Một khi bạn đã thưởng thức rồi thì sẽ rất muốn ăn mãi thôi.

Tempura Okinawa

So với những loại Tempura thường thấy ở các nhà hàng Nhật Bản, thì Tempura Okinawa to, dày và dai hơn. Món ăn này khi chế biến đã được tẩm muối rồi, nên khi ăn bạn không cần phải nhúng vào nước sốt nữa. Đặc biệt nếu thưởng thức những khi trời lạnh thì càng ngon hơn. Tempura Okinawa là món ăn nhẹ yêu thích của nhiều thế hệ dân địa phương. Nhân tempura được yêu thích là cá, rong biển và các loại hải sản như mực. Thực chất, với nền khí hậu khô nóng như đảo Okinawa, hải sản không thể để lâu được, thế nên mới có món Tempura ra đời như một cách chế biến hải sản khôn khéo của người dân địa phương.

Nguồn: Tổng hợp.

Bài khác

Bài viết mới