Các món ngon nhâm nhi ngày Tết

Bạn đã có những công thức nấu ăn ngày Tết nhưng đôi khi nhiều món ăn bạn nấu lại không đạt như ý. Những món ăn ngày Tết sẽ ngon và đẹp hơn nếu bạn nắm được những bí quyết nhỏ sau.

 

Củ Kiệu

Loại kiệu Huế, làm lâu nhưng lại giòn và ngon hơn kiệu trâu. Kiệu Huế có phần thân kiệu nở, thắt eo rõ rệt và đuôi kiệu mảnh. Kiệu trâu có thân hình dài dần, đuôi kiệu to không có nút thắt eo như kiệu Huế. Khi cắt chân kiệu, tuyệt đối không để phạm vào thịt kiệu vì như thế kiệu sẽ bị hư úng. Muốn món kiệu giòn và để được lâu, khi đã làm kiệu sạch sẽ, cắt chân gọn gàng, bạn cho đường vào trộn sao cho đường thấm kiệu. Khi đó, món kiệu chua của bạn sẽ rất giòn và để lâu không bị chua hay hóa rượu.

Thịt kho tàu

Muốn cho thịt mỡ trong, nhừ mà không nát thì ngay sau khi rửa thịt ể ráo, bạn ướp thịt với đường, xóc cho đều để khoáng 20 phút – 30 phút rồi mới ướp nước mắm và các gia vị khác. Ướp đường trước như thế phần thịt nạc sẽ luôn có màu hồng đẹp mắt, dù có hâm tới, hâm lùi hiều lần, thịt cũng không bị đen. Phần thịt mỡ sẽ trong, nhừ mà vẫn không bị nát, khi ăn sẽ tan ra trong miệng ăn rất ngon. Tuyệt đối không cho nước màu khi nấu món này. Cũng không dùng nước để hầm thịt mà phải dùng nước dừa tươi, khi kho nước dừa sẽ tạo nước vàng rất đẹp. Còn trứng thì rửa thật sạch, luộc rồi bỏ cả vỏ cho vào nồi kho cùng với thịt, ăn tới đâu lột bỏ vỏ tới đó, lòng trắng không bị cứng và đen vì hâm nhiều lần mà trứng vẫn thấm rất ngon.

Giò chả

Làm giò thủ thì khi đổ khuôn, bạn phải ép thật kỹ cho thịt sát vào nhau không có khoảng trống và ra hết mỡ. Nếu không có khuôn, bạn có thể dùng các vật dùng có sẵn trong nhà như lon nhựa đựng nước suối cũ. Một cách rất hay là bạn dùng cặp lồng, đặt hai sợi ni -lon hoặc sợi lạt đan chéo dưới đáy, lót lá rong hoặc lá chuối lên rồi xúc giò nóng đổ vào. Ép thật chặt, buộc 4 sợi dây lạt lại, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Khi cần ăn thì nắm lấy đầu sợi lạt còn dư tút lên, xắt ra sẽ đẹp như có khuôn.

Dưa cải muối

Phơi cải qua một nắng cho cải rầu đi thì khi muối sẽ giòn hơn. Dưa cải luôn phải có hành thì mới thơm, dưa vàng và không bị khú. Muối phải canh vừa đủ, luôn thăm chừng nêu thấy dưa bị khú hoặc nổi váng trắng thì thêm muối kịp thời và chẻ thêm đầu hành trắng vào để chữa.

Bánh tét, bánh chưng

Nếu như ở miền Bắc có bánh chưng xanh truyền thống thì người miền Nam lại có loại “bánh chưng” của riêng mình gọi là bánh tét. Nguyên liệu vẫn vậy nhưng bánh được gói thành hình trụ dài, mỗi chiếc nặng trung bình khoảng 1kg. Bánh tét thường được gói với ít đỗ và rất ít hoặc không có thịt, để có thể ăn được đến cả những ngày sau Tết. Bánh tét dùng lá chuối thay cho lá dong. Với 2 đến 4 chiếc lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đậu (đỗ) theo chiều của lá và quấn bằng lạt mềm để bó chặt chiếc bánh. Ở miền Nam, bánh tét có rất nhiều loại như: bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, bánh tét ngọt và bánh tét nhân thập cẩm…

Thịt đông

Thịt đông nếu nấu đúng cách thì không phải bỏ vào tủ lạnh mới đông. Ngay cả ở miền Nam, thời tiết se lạnh, món thịt đông đã đông cứng. Muốn như thế phải đảm bảo đủ lượng bì trong thịt (khoảng 1/3 so với thịt). Nấu cho bì nhừ ra nhựa thì sẽ tạo phần thạch trong thịt đông và thịt sẽ có độ kết dính tốt. Nấu thịt đông mà thêm một phần thịt gà thì cũng dễ đông hơn. Có thể thấy rõ khi luộc thịt gà, nước từ thịt gà luộc ra để ngoài trời cũng tự đông lại tương tự thịt đông. Thịt đông khi nấu phải để lửa vừa và thời gian nấu phải dài để thịt ra nhựa , đồng thời nước thịt khi đông lại sẽ trong chứ không đục. Khi luộc thịt xong lần đầu không tận dụng nước luộc thịt đó để nấu thịt đông, vì như thế thịt sẽ không trong. Khi nấu nhớ vớt bọt liên tục, nước thịt đông sẽ trong hơn.

Tổng hợp Facebook, internet

Bài khác

Bài viết mới