Đi tìm những nét lạ trong xứ sở nghìn đảo Philippines

Không chỉ là đất nước của những “thiên đường”, Philippines còn sở hữu những đặc điểm văn hóa riêng biệt và độc đáo.

 

Thể hiện cảm xúc bằng môi

Đôi môi đối với người Philippines không chỉ là công cụ để giao tiếp mà còn giữ vai trò như ánh mắt đồng thời cũng thể hiện tinh thần hiếu khách của họ. Môi “chu” ra, lông mày nhướn lên một chút kết hợp cùng sự chuyển động của cổ là cách họ chỉ dẫn cho bạn thay cho việc sử dụng ngón trỏ. Họ cho rằng đôi môi thể hiện sự nhiệt tình, thân thiết và tinh tế hơn là những ngón tay hờ hững, không cảm xúc.

Phương tiện di chuyển độc đáo

Jeepney là loại hình phương tiện khá phổ biến và được yêu thích ở Philippines. Vốn từ những chiếc xe Jeep cũ được chủ xe cải tiến và thiết kế lại, Jeepney mang màu sắc rực rỡ (đỏ, vàng, xanh, hồng…), với những họa tiết nổi bật, đầy sáng tạo. Jeepney hoạt động như xe buýt với lộ trình dài, đón khách và thả khách ở các trạm dừng. Ngoài ra, Jeepney được người dân ưa chuộng còn bở giá thành “rẻ bèo” của nó. Nếu Jeepney được ví như xe bus thì xe ba bánh được xem như một loại hình taxi ở đây. Đắt hơn Jeepney, xe ba bánh được dùng cho những lộ trình ngắn hoặc di chuyển trên những đoạn đường nhỏ hẹp. Habal Habal được đánh giá là một trong những phương tiện độc đáo nhất thế giới. Tạo thành từ một chiếc xe máy được kê thêm ván gỗ hai bên cùng tấm bạc dăng phía trên làm mái (hoặc đôi khi không có mái), Habal Habal gọi vui là “taxi xe máy”, có thể chở được 7-10 người, thường được dùng khi di chuyển trên đường núi chật hẹp, gồ ghề ở Philippines.

Chào hỏi kiểu “Mano”

Mano là tên gọi cách chào hỏi truyền thống của người Philippines nhằm thể hiện sự kính trọng với người đối diện, những người lần đầu gặp hoặc người lớn tuổi. Chào hỏi kiểu Mano rất đơn giản! Bạn chỉ cần cuối thấp người, cầm tay người bạn muốn chào hỏi và áp nhẹ mu bàn tay của họ lên trán. Mano vừa thể hiện sự tôn trọng vừa ngỏ ý mong muốn họ sẽ cầu bình an cho bạn.

Lễ giáng sinh dài nhất thế giới

Giáng sinh ở Philippines kéo dài từ tháng 9 đến tận tháng 1 của năm sau. Đây là dịp lễ quan trọng bậc nhất và mang ý nghĩa tinh thần to lớn tại đất nước “đảo ngọc” vì phần lớn dân số Philippines theo đạo Cơ đốc. Vào dịp này, nhà nhà ở Philippines đều được trang hoàng lộng lẫy với dây đèn đủ màu, hang đá,…Những cuộc diễu hành đèn lồng rực rỡ được tổ chức liên tục đồng thời các khu chợ Giáng sinh cũng được mở góp thêm phần náo nhiệt cho không khí lễ hội.

Dành tình yêu cho “hình tròn”

Người Philippines có tâm niệm với những thứ hình tròn và họ cho rằng hình tròn mang ý nghĩa trọn vẹn và đem đến cho họ nhiều may mắn. Chính vì vậy, bạn sẽ bắt gặp người Philippines chỉ ăn những quả hình tròn vào dịp năm mới hoặc vận trang phục chấm bi với mong muốn cả năm thịnh vượng và hạnh phúc.

Quốc gia của nhiều ngôn ngữ

Ảnh hưởng từ nền giáo dục cũng như hệ thống ngôn ngữ của Tây Ban Nha và Mỹ trong thời kỳ thuộc địa, Philippines mang hơi thở của văn hóa phương Tây và bắt đầu sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính. Điều này đã biến Philippines thành một trong những quốc gia có nhiều người nói tiếng Anh nhất thế giới. Thậm chí người bản xứ chưa từng đặt chân ra khỏi vùng đất đảo ngọc này cũng có khả năng “nhả chữ” chuẩn xác. Vì tính chất đa dân tộc, Philippines trở thành nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, tập tục, lời ăn tiếng nói khác nhau. Có hơn 700 ngôn ngữ bản địa và hơn 170 trong số đó được sử dụng hàng ngày như Cebuano, Ilokano, Kapampangan và Bikol,…Bên cạnh đó, Filipino – tiếng địa phương được cải biên chuẩn hóa từ phương ngữ Tagalog, là ngôn ngữ được dùng rất phổ biến bởi đại đa số người dân ở đây sau tiếng Anh.

Hội chứng “Tingi-Tingi”

Tingi-Tingi là văn hóa mua bán sản phẩm mini rất đặc trưng của Philippines. Người Philippines có xu hướng chỉ mua những thứ họ cần và không mua nhiều hơn mức cần thiết. Các gia đình ở Philippines cũng thường chỉ chi trả cho những thứ họ dùng trong ngày dù đôi khi một túi lớn xà phòng hay một chai dầu gội… có thể dùng lâu hơn và tiết kiệm hơn. Bước vô bất cứ một cửa hàng sari-sari (tiệm tạp hóa) hay một siêu thị lớn nào, bạn cũng sẽ bắt gặp phiên bản mini của tất cả các thứ đồ dùng hàng ngày như kem đánh răng, sữa tắm, bột giặt,…Tingi-Tingi không chỉ là một “sở thích” điển hình của người dân nơi đây mà còn được xem là hệ thống kinh tế bán lẻ cực phát triển ở đất nước này.

Nguồn: Internet

Bài khác

Bài viết mới