Hầm Hô, viên ngọc thô giữa lòng xứ Nẫu

Khi trái tim đã mỏi mệt, đôi chân đã rã rời vì những lo toan bộn bề, cần một nơi để vun vén yêu thương xoa dịu mọi ưu phiền mà không phải Đà Lạt lãng đãng sương mờ hay Phú Quốc biển cả thơ tình đã quá quen thì hãy đến Hầm Hô – ‘hang động xanh’ ngút ngàn đầy mê hoặc của Quy Nhơn.

Hầm Hô là khu du lịch sinh thái thuộc địa phận xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 50km theo hướng Tây Bắc, một điểm đến nhất định không thể bỏ qua khi du lịch Quy Nhơn. 

Tuyệt tác thiên nhiên bên dưới lòng sông

Danh thắng Hầm Hô là một khúc sông dài khoảng 3km được tạo nên từ nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát cùng đổ vào dòng Phú Phong. Hầm Hô ấn tượng với rất nhiều những tảng đá lớn nhỏ chỗ thì xếp chồng lên nhau, chỗ lại dựng đứng như thành vách, có nơi lại ngổn ngang như thể đang ‘chiếm lấy’ ngôi nhà riêng cho mình. Chính điều này đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo hiếm nơi nào có được nếu đó không phải là Hầm Hô. Dọc theo dòng chảy là ‘vương quốc của đá’, chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng trên sông với những tên gọi địa danh khác nhau nhờ vào sự sắp đặt đầy bí ẩn này như Đá Trải, Đá Thành, Đá Dựng, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm,...

Phong cảnh hoang sơ, kỳ bí

Thấp thoáng trong rừng cây và rừng đá là những ngôi nhà sàn để người lữ khách nghỉ ngơi, thư giãn. Mùa mưa, cá từ sông Kôn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh sản và phải qua thác Hầm Hô mới lên được nguồn. Tương truyền rằng xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn. Đúng vào nơi kì thú nhất thiên nhiên lại trải rộng một khoảng trống đến hàng nghìn mét vuông có thể dừng chân hạ trại. Nước dưới suối nơi này cũng như hiền dịu hơn tạo thành một nơi tắm lí tưởng.

Hầm Hô đất võ anh hùng

Không những là một vùng đất đẹp với cảnh non nước hữu tình, tại nơi đây, hơn 200 năm về trước, vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Sau này, Mai Xuân Thưởng là nguyên soái đạo quân Cần Vương tại Bình Định từ giữa 1885 đến giữa năm 1887, dựa vào ví thế núi non hiểm trở của Hầm Hô, nghĩa quân do ông chỉ huy đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất và khiếp sợ.

Bình dị vẻ đẹp tươi mát của thiên nhiên

Màu xanh ngan ngát của rừng cây hai bên và muôn loài hoa đã làm dịu đi vẻ mộc mạc hoang sơ của đá, giúp Hầm Hô bỗng trở nên nhẹ nhàng và thơ tình hơn rất nhiều lần. Là hoa sim trên triền đồi, là hoa súng dưới hồ hay cúc dại ‘hé nụ cười xinh’ suốt cả năm, là rừng hoa ngâu lác đác ẩn hiện trong sương hệt như thế giới cổ tích, là cây già rễ mọc dài như mái tóc đang nghiêng mình soi bóng dưới lòng sông êm đềm. Và ở đó còn có những chú cá xinh xắn đang tung tăng bơi lội trong làn nước mát rượi, vô ưu vô phiền, đem lại cảm giác bình yên khiến trái tim an nhiên vô cùng.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới