Hành hương cõi tâm linh mầu nhiệm ở Tam Cốc, Bích Động

Tam Cốc - Bích Động được biết đến với cái tên nổi tiếng như "Nam thiên đệ nhị động", là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh non nước hữu tình, nơi đây còn là một địa điểm lý tưởng cho những cuộc hành hương.

Tam Cốc - Bích Động sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời để hành hương. Đến đây bạn vừa tìm được những khoảnh khắc thanh tịnh, bình dị bên những ngôi chùa độc đáo, linh thiêng vừa được du ngoạn chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên non nước hùng vĩ của vùng đất Ninh Bình.

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc là một ngôi chùa rất độc đáo, ngôi chùa nằm ở trong hang động của núi chùa Móc với phong cảnh sơn thủy hữu tình và rất linh thiêng. Theo văn bia đặt ở chùa, chùa Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông, năm 1258. Trải qua một thời gia dài, ngôi chùa này đã được nhiều lần tôn tạo lại. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ, 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ thánh tăng là đức A Nam Đà và đức tổ tây, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón rất uy nghi. Nhà trai 5 gian, quay hướng đông nam. Điện Mẫu quay lưng vào sườn núi, hướng tây nam, xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Hậu cung là một gian thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thiêu hương gồm 3 gian thờ Công Đồng Thánh Mẫu, Tiền Đường 5 gian, gian cuối bên tay trái có treo quả chuông.

Chùa Trung

Để đến chùa Trung, từ chùa Hạ bạn phải men theo con đường 120 bậc theo đường hình chữ S tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Ngay phía trước là hai chữ Bích Động tạc vào vách núi. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục. Chùa này đã trải qua ba thời kỳ có tên khác nhau: thời kỳ đầu (1428) có tên là chùa Động, đến 1740, đời vua Lê Hiển Tông, chùa này được mở mang, xây dựng thêm và được đặt tên là: Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng. Đến thế kỷ 19 dưới thời vua Tự Đức được đặt tên là chùa Bích Động. Ngay trước cửa động, một chiếc chuông đồng cổ kính với những đường nét chạm trổ rất tinh xảo. Nhìn ra phía ngoài là cầu Giải Oan. Hầu hết khách qua đây thường “thỉnh” lên ba tiếng chuông ngân nga như để “giải oan” cho tâm hồn mình ở nơi cửa Phật được thanh thản.

Chùa Hạ

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối và cao hơn 4m. Để làm được những cột đá như thế là một kỳ công. Tại chùa Hạ còn có một bức Đại tự bằng chữ Hán ở chính giữa ghi “Thanh thản cổ mộ” để nói lên cái tâm chính của chùa là thanh bạch từ xưa đến nay. Trên cùng là tòa tam thế với 3 bức tượng đại diện cho ba đời chư Phật. Kế đến là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, ngồi chính giữa là đức Phật Di Đà, bên phải là Quan Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát.

Chùa Thượng

Lên chùa Thượng bạn phải bước qua gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ Quan Âm Bồ Tát. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa. Bích động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa- kiến trúc, mà nơi đây còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình.

Đền Thái Vi

Đền Thái Vi là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. rước đền có giếng ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn, phía ngoài của Nghi môn đặt hai con ngựa bằng đá xanh nguyên khối. Điều độc đáo ở đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng các tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu. Tại khu di tích đền Thái Vi còn một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông đã cho lập lên và ở đó tu hành trong thời gian cuối đời. Hàng năm, cứ đến ngày 14 tháng 3 (âm lịch) lễ hội Thái Vi được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của các đời vua Trần.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới