Nét văn hóa độc đáo của người dân Mông Đông Bắc Việt Nam

Người Mông là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc. Người Mông ở các tỉnh Đông Bắc có nền văn hóa độc đáo và phong phú, thể hiện qua nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ trang phục, ẩm thực, nhà ở, đến tín ngưỡng, lễ hội...

Đồng bào Mông trên cả nước nói chung, Hà Giang nói riêng có lối sống giản dị, mộc mạc nhưng bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống độc đáo. Người Mông phân chia thành 4 nhóm: Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Dú), Mông Xanh (Mông Chúa), Mông Trắng (Mông Đu). Tuy có 4 nhóm Mông khác nhau, nhưng về ngôn ngữ và văn hoá cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.

Chợ phiên - Nét văn hóa độc đáo của người dân Mông vùng Đông Bắc

Người Mông ở đây thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, thế nên rất nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô. Họ còn rất giỏi trong việc đan lát, làm gỗ, dệt vải lanh cho ra đời những trang phục truyền thống rất đẹp và độc đáo... góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa trao đổi hàng hóa tại những khu chợ phiên truyền thống. Chợ phiên qui định họp 6 ngày một lần (có nơi 5 ngày một phiên). Quan hệ trao đổi hàng hóa trên cơ sở vật đổi lấy vật, dùng tiền tệ trao đổi rất ít. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hóa, vừa là nơi gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội. Trong đó, có một phiên chợ mang nét đặc sắc văn hóa của người Mông, đó là “Chợ tình” được tổ chức mỗi năm một lần, thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, trải nghiệm.

Nét độc đáo trong trang phục của các nhóm đồng bào dân tộc Mông

Trang phục cổ truyền của người phụ nữ Mông gồm: váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, có tấm vải che phía trước và vuông vải nhỏ che lưng phía sau, thắt lưng, khăn quấn đầu, chân vấn xà cạp. Váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng. - Phụ nữ Mông Trắng mang trang phục váy trắng, áo xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm lưng. Phụ nữ Mông Trắng cạo tóc xung quanh và để chỏm lớn ở đỉnh đầu, quấn khăn vành rộng. - Phụ nữ Mông Hoa mang trang phục váy màu chàm, có thêu hoa ở gấu váy. Mặc áo xẻ nách, trên vai và ngực có cạp thêm vải màu, thêu hình hoa văn con ốc. Phụ nữ Mông Hoa để tóc dài quấn quanh đầu, sau đó còn quấn thêm tóc giả. - Phụ nữ Mông Đen mang trang phục váy màu chàm, có in hoa văn ở gấu, ngắn hơn váy Mông Hoa, mặc áo xẻ giữa ngực, thêu hoa văn ở cánh tay và hò áo. - Phụ nữ Mông Xanh mang trang phục váy hình ống màu chàm, gấu váy thêu hoa văn hình chữ thập trong hình các ô vuông, áo mở chếch ngực xẻ thẳng về bên trái, cài một cúc, cánh tay áo đắp thêm những miếng vải màu đỏ và cổ tay áo có thêu hoa văn. Người Mông Xanh, con gái để tóc xõa ngang vai, khi lấy chồng mới quấn tóc lên đỉnh đầu và dùng lược móng ngựa cặp ngược tóc về phía trước, trùm khăn trên đầu.

Lễ hội gắn với nghệ thuật dân gian

Có thể nói, cuộc sống của người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc gắn liền với dân ca, dân vũ, nhạc cụ và các lễ hội mang tính cộng đồng được tổ chức hằng năm. Gắn liền với đời sống của họ là nghệ thuật múa khèn. Người Mông thường múa khèn vào những dịp sinh hoạt văn hóa, đám tang, đám giỗ hoặc khi có lễ hội. Một trong những lễ hội quan trọng nhất của họ là Lễ hội Gầu Tào – cầu phúc. Du lịch Hà Giang đến Mèo Vạc, du khách có thể thưởng thức điệu múa khèn độc đáo này tại các phiên chợ, đặc biệt là ở phiên chợ tình Khâu Vai. Vào mùa xuân, nhất là các dịp Tết người Mông hay trong các lễ cưới truyền thống, đồng bào đều hát dân ca và múa khèn. Nhiều làn điệu dân ca hát ru, hát đối, hát đố, hát giải, dân vũ... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, no đủ. Trong năm, đồng bào người Mong còn có nhiều lễ hội đặc sắc phải kể đến như: Lễ hội Tầu sừ được tổ chức vào dịp Tết truyền thống của người Mông; lễ Nào xông của cộng đồng bản, diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm; lễ Tết rừng tổ chức vào ngày 28 tháng Giêng hàng năm, Lễ cúng cơm mới và lễ hội Gầu tào được tổ chức vào dịp đón năm mới. Trong hội Gầu tào, múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người Mông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo… Cây khèn luôn là vật bất ly thân với người đàn ông dân tộc Mông. Nhờ cây khèn độc đáo này, người Mông không chỉ thổ lộ tâm tình qua âm điệu du dương, trầm bổng mà còn là đạo cụ sinh động, giàu tạo hình trong những động tác điêu nghệ và mạnh mẽ của vũ điệu "Tha kệnh”. Múa khèn thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của người đàn ông miền sơn cước. Nét văn hóa độc đáo của người Mông Đông Bắc Việt Nam là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa của Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. - (Nguồn bài viết: Sưu tầm và tổng hợp @camnangdulich #camnangdulich)

Phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian của người Mông

Người Mông có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài thờ cúng tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà đồng bào Mông còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ như thần tài (xử cang), thần cột nhà “Bùa đăngz”, thần cửa “Bùa trùngz”, thần bếp… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông đặc biệt quan trọng và khác so với một số dân tộc thiểu số khác, đồng bào không có bàn thờ tổ tiên riêng mà mỗi khi có lễ cúng tổ tiên, người Mông lập một bàn thờ cúng tổ tiên tại chính giữa ngôi nhà trước bàn thờ thần tài “xử cang” sau lễ cúng bàn thờ tổ tiên được bỏ đi. Một vòng đời của người Mông, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên đều trải qua rất nhiều nghi lễ độc đáo: lễ đặt tên, lễ lại tên đệm, lễ cưới, tang ma... Trong đó, lễ tang và lễ đặt tên con là những nghi lễ có ý nghĩa quan trọng. Lễ đặt tên khá đơn giản, đứa trẻ sau khi sinh ra được 3 ngày sẽ được gia đình và dòng họ tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên. Lễ tang với nhiều nghi lễ khá phức tạp thể hiện đạo lý, sự tri ân giữa người sống với người đã khuất.

travel.com.vn

Bài khác

Bài viết mới