Ngỡ ngàng vẻ đẹp hoang sơ của làng đá ẩn mình nơi biên giới

Cách thành phố Lạng Sơn chừng 40km, làng đá Thạch Khuyên ẩn mình nơi biên giới yên bình đến lạ thường. Con đường để vào làng đá gập ghềnh, vòng vèo đi qua nhiều quả đồi, bản làng. Có lẽ ít có nơi nào trên dải đất hình chữ S lại có một “làng đá” độc đáo, hoang sơ và đẹp đến thế.

 

Những ngôi nhà trình tường khuất sau những bờ rào đá

Làng đá vừa thâm u bí ẩn, vừa giống như một thú chơi tao nhã của nhà sưu tầm, vừa giống một công trình quân sự... Những tảng đá vô tri vô giác như sống cùng người dân Thạch Khuyên, chứng kiến bao điều xảy ra nơi đây, chứng kiến cuộc sống lao động của con người nơi biên giới này.

Đá mồ côi hòn to, hòn nhỏ

Cái độc đáo ở đây là đá mồ côi nằm chồng lên nhau thành hàng thành lối quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Nhiều viên đá cũ mốc thếch, rêu phủ xếp cao như thành, trên đó là những bụi xương rồng càng làm cho làng đá bí ẩn, nguyên sơ.

Ngõ đá quanh co và tường rào đá

Đá ở đây không đổ gập nghềnh mà nó được xếp có trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Các cụ xưa kia đã nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá thành ngõ đi, đá kè bờ ao, bờ ruộng. Nhưng quan trọng nhất là những tảng đá được xếp thành thành lũy tựa như một cái khuyên tròn để bảo vệ làng tránh sự cướp bóc của thổ phỉ.

Đá "chênh vênh" trước cửa nhà

Người dân không ai nhớ chính xác làng đá có từ bao giờ, ngay đến các cụ cao niên nhất làng cũng chỉ biết lớn lên đã thấy đá như thế rồi. Tiếp khách bằng chén rượu men lá cay nồng, các cụ bảo rằng: tổ tiên người Tày đã cư trú ở đây từ lâu lắm rồi. Các cụ nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá thành ngõ đi, đá kè bờ ao, bờ ruộng. Nhưng quan trọng nhất là những tảng đá được xếp thành thành lũy tựa như một cái khuyên tròn.

Người dân sinh sống trong vòng khuyên bằng đá

“Ngày xưa tất cả các hộ dân đều sinh sống trong vòng khuyên bằng đá đó. Trong thành có hai ao nước, một ao để giặt giũ, một ao để nước sinh hoạt. Thành đá vững chắc vừa có tác dụng ngay thú dữ, vừa ngăn kẻ thù xâm phạm. Nhìn chúng chông chênh thế nhưng đạn súng kíp không thể xuyên thủng. Chính nhờ có thành đá mà dân làng đã sống yên ổn qua bao thiên tai, địch họa”, cụ Vì Văn Khằm, 80 tuổi cho biết.

Nhấp rượu, nhấm đặc sản vùng biên

Rượu nấu thủ công trong làng khá nhẹ và có mùi vị không khác gì rượu Mẫu Sơn, nhưng uống cái kiểu từ sáng tới chiều, uống từ nhà nọ sang nhà kia thì khách phương xa đến ai cũng phải nhận thua. Trên bàn hoặc trên kệ tủ nhà nào cũng để sẵn chai rượu, có khi còn không thèm nút vì có nút thì đằng nào rồi cũng phải tháo ra. Trà không có, mà có thì cũng phải đợi đun nước nóng, chỉ có rượu suông đãi khách. Bù lại, nếu được báo trước, cánh đàn ông trong làng có thể chế biến món ăn cực ngon, không thua kém gì mấy tiệm ăn dưới phố. Tất nhiên muốn ăn khâu nhục hay lợn quay nhồi mắc mật thì phải đợi đến tết, ngày thường chỉ phổ biến món thịt khô xào, rau cải xào hoặc gà nấu măng.

Nguồn ảnh: Dân Việt

Bài khác

Bài viết mới