Ngồi thiền giữa non thiêng hồ Truồi

Còn nơi nào yên bình hơn ngôi thiền tự quanh năm xanh mát tĩnh lặng, được bao bọc giữa Hồ Truồi trong lành, lặng sóng.

 

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập đã có lịch sử hơn 700 năm. Sau một thời gian mai một do sự suy tàn của nhà Trần, đến thế kỷ 17 dòng thiền này mới phát triển trở lại, đến nay đã có nhiều thiền viện của phái Trúc Lâm trên khắp cả nước như Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ (Ninh Thuận), Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội),… Là vùng đất của Phật giáo, cố đô Huế cũng có một Trúc Lâm thiền tự mang tên Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được xây dựng từ năm 2006.

Thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Truồi

Để đến được đất thiêng, bạn phải lênh đênh trên xuồng máy khoảng 15 phút. Đừng vội ngán ngẩm, bạn sẽ có 15 phút đầy thú vị: trò chuyện cùng bác lái đò hiền lành chân chất để tìm hiểu về Thiền viện, về hồ Truồi, về Vườn quốc gia Bạch Mã; ngắm những “tảng” mây trôi bồng bềnh trên mặt hồ lăn tăn sóng nước; cảm nhận Thiền viện ngày càng “lớn dần” theo từng khoảnh khắc lênh đênh trên hồ; và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp màu xanh của mây trời, của hồ nước, của rừng núi.

Đường đến thiền viện

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế, trong khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu đi từ Đà Nẵng, bạn qua hầm Hải Vân rồi đi theo Quốc lộ 1 khoảng 45km sẽ thấy cầu Truồi. Đừng vội qua cầu, bên trái trước cầu Truồi có một con đường nhỏ với bảng chỉ dẫn vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Nếu đang ở Huế, bạn có thể theo đường Nguyễn Tất Thành ra Quốc lộ 1, chạy khoảng 12km trên Quốc lộ là đến được cầu Truồi, qua cầu là thấy con đường nhỏ như trên. Từ đây chạy thêm 10km là thấy bến đò của hồ Truồi.

Không gian thiền

Không gian thiền được bao bọc trong không gian của thiên nhiên. Ngoài cánh rừng bao quanh, thiền viện còn có những khu vườn được chăm chút cẩn thận với nhiều loài hoa, loài cây quý. Các công trình chính của thiền viện bao gồm chính điện, tổ đường, trai đường, tăng đường, lầu chuông, lầu trống, tháp xá lợi,… Dù mới hoàn công được 7 năm, nhưng những công trình này lại mang dáng vóc khá cổ kính, đủ mang lại cảm giác thanh tịnh vương chút hoài niệm cho khách vãng cảnh chùa.

Kim thân Phật Thích Ca ngồi thiền

Hùng vĩ một góc đảo thiêng là kim thân Phật Thích Ca ngồi thiền, cao đến 24m, hướng ra mặt hồ mênh mông. Dù có được thời gian nhuốm màu trầm mặc, tượng Phật vẫn luôn toát lên vẻ uy nghiêm và thanh thoát lạ thường.

Vẻ huyền ảo, linh thiêng của ngôi thiền tự

Nếu đi một mình, hoặc theo nhóm nhỏ, bạn sẽ phải ngồi đợi để ghép cùng nhóm khác, đến khi nào đủ ít nhất 8 người mới được qua đò. Nếu ngại đợi, hoặc đi vào dịp ít khách viếng chùa, bạn có thể thuê trọn đò, tất nhiên giá sẽ cao hơn. Theo người viết, nán lại một chút ở bến đò cũng là một trải nghiệm hay. Từ bến đò hướng về Trúc Lâm Bạch Mã, bạn sẽ thấy màu gạch ngói của mái chùa lẩn trong màu xanh ngắt của rừng cây, xa xa là màu trắng của “lớp lớp mây cao đùn núi bạc”- một sự phối màu đầy tinh tế của tự nhiên. Vào những ngày mưa, sương gió mây mù còn làm tăng thêm vẻ huyền ảo, linh thiêng cho ngôi thiền tự.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Với tâm nguyện khôi phục dòng thiền Trúc Lâm của nhà Trần, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã không chỉ giúp cho Phật tử hiểu thêm về dòng thiền này mà còn tạo điều kiện cho người muốn thực tập thiền, dù có là Phật tử hay không. Nếu muốn tu thiền, bạn có thể đăng ký trước để được hướng dẫn thiền cùng với các tăng ni của Thiền viện. Chỉ vài giờ neo chân nơi thiền viện linh thiêng, bạn sẽ thấy tâm tịnh, hồn thanh và lòng như dịu lại, bỏ quên sự đời thăng trầm bên kia mặt hồ. Cho dù không mang đạo hay không quan tâm đến thiền, chỉ cần bạn yêu cái đẹp, bạn sẽ yêu Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Theo Phượt ký của Phạm Như Quỳnh, Ihay

Tags: Huế

Bài khác

Bài viết mới