Tháng 11, Tháng của những Lễ hội

Mỗi dịp cuối năm, tại các nước trên thế giới thường diễn ra các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc phong tục tập quán của từng quốc gia. Trong đó các lễ hội thu hút lượng du khách lớn trên thế giới như lễ hội hoa đăng Loy Krathong, lễ hội nước Bon Om Touk,...

 

Lễ hội ánh sáng Diwali

Diwali (hay Deepwali) trong tiếng Sanskirt có nghĩa là “một dãy đèn được thắp sáng”. Tên gọi này bắt nguồn từ việc vào những ngày lễ, nhà cửa, cửa hàng và cả nơi công cộng đều được thắp sáng bằng đèn dầu. Diwali thường được diễn ra vào tháng 11 trên khắp Ấn Độ. Chuỗi lễ hội Diwali với ý nghĩa ban đầu để ăn mừng chiến thắng của cái thiện, sự vươn lên vượt qua bóng tối và mông muội trong tri thức của con người. Không chỉ thế, đó còn là khoảng thời gian để mọi người cùng nhau cảm nhận không khí lễ hội ấm áp, cùng nhau hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp đến cho họ.

Lễ hội nước Bon Om Tuok

Diễn ra vào mùa trăng tròn trong tháng 11, đây được coi là lễ hội lớn nhất trong lịch Khmer, lớn hơn cả lễ chào đón năm mới. Người dân Campuchia sẽ được nghỉ 10 ngày để chào đón lễ hội này. Họ sẽ tụ tập về các bờ sông Tonle Sap và Mekong ở Phnom Penh để xem đua thuyền quy mô lớn. Có những năm có hơn 400 thuyền màu sắc rực rỡ tham gia với hơn 2.500 tay chèo. Hoạt động đua thuyền này đã có từ thời cổ xưa, thể hiện sức mạnh của thủy quân Khmer dưới đế chế Khmer. Suốt cả ngày, các đội thuyền đua theo cặp trên đoạn sông dài 1km. Sau đó vào buổi tối, những chiếc bè gỗ được trang trí rực rỡ sẽ được thả nổi dọc con sông trước khi và trong khi bắn pháo hoa. Lễ hội đánh dấu sự thay đổi dòng chảy của con sông Tonle Sap và cũng được coi là lễ tạ ơn con sông Mekong vì đã đem lại sự màu mỡ cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho người dân.

Lễ hội hoa đăng Loy Krathong

Loy Krathong - lễ hội hoa đăng được coi là lễ hội truyền thống lãng mạn nhất thế giới và là lễ hội lớn đứng thứ 2 ở Thái Lan được tổ chức vào tháng 11 hằng năm, đã có lịch sử hơn 700 năm với ánh sáng lung linh, huyền ảo của hàng vạn cây nến thơm và đèn trời mang ý nghĩa để tỏ lòng tôn kính với thần Nước và cầu xin thần tha thứ cho những hành động của con người trong cuộc sống khi làm ô nhiễm nguồn nước của người. Khi màn đêm vừa buông xuống cũng là thời điểm đẹp nhất để lễ hội Loy Krathong bắt đầu trong khung cảnh ngoạn mục với hàng ngàn chiếc đèn được thả lên bầu trời đêm và hàng trăm chiếc đèn hoa đăng được thả trôi theo dòng nước và những màn bắn pháo hoa rực rỡ bên bờ sông Ping của Chiang Mai.

Lễ hội Boun That Luang

Pha That Luang là một biểu tượng quốc gia của Lào với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và bản sắc dân tộc Lào. Tại đây, hàng năm diễn ra một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà cả về mặt văn hóa và lịch sử, được người dân trong nước cũng như kiều bào ở hải ngoại hào hứng đón chờ, đó là Boun That Luang - lễ hội diễn ra suốt một tuần trăng tròn vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (tức khoảng tháng 11 dương lịch) và kết thúc vào đúng ngày rằm tháng 12. Trong những ngày lễ hội, các ngả đường vào Pha That Luang lung linh ánh nến, ánh đèn và ngay chính Pha That Luang cũng được thắp thêm đèn, kết thêm hoa trên các đài tháp, hòa cùng ánh trăng mờ ảo tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng. Vào dịp này, các nhà sư trên khắp nước Lào sẽ về đây, kê bàn ngồi dọc hai bên đường vào Pha That Luang để nhận sự dâng cúng của các Phật tử - lễ vật gồm bánh, kẹo, xôi… và cả tiền mặt. Mục đích chính của lễ hội này là cầu an, cầu phước cho tất cả mọi người.

Lễ hội Voi Surin

Diễn ra hàng năm vào thứ 7 của tuần thứ 3 tháng 11 tại Surin, Thái Lan. Lễ hội không chỉ nổi tiếng với người dân địa phương mà cả đối với du khách nước ngoài. Vào ngày này, sẽ có hơn 200 con voi tham dự lễ và thể hiện những kỹ năng mà chúng tập luyện trong năm. Trong 2 ngày lễ hội, chúng sẽ có dịp thể hiện “tài năng” của mình qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng đá và cả kéo co với người. Đây cũng là dịp thể hiện tình yêu của người dân đối với loài động vật được yêu quý nhất của Thái Lan.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới