Tinh khôi mùa hoa Sở

Không còn vị mặn mòi của gió biển, Bình Liêu mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ với những phong cảnh núi rừng trùng điệp bên những bông hoa Sở trắng tinh khôi.

Giáp với biên giới Trung Quốc, cách Thành phố Hạ Long hơn 100km về phía Đông Bắc, Bình Liêu được ví như “Sapa thu nhỏ” của Quảng Ninh nhờ phong cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ, hùng vĩ lại vừa thơ mộng, cuốn hút đến lạ kì.

Chinh phục “Sống lưng Khủng Long”

Sống lưng Khủng Long là được coi vị trí đẹp nhất của đường lên mốc 1305 trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Cột mốc này nằm ở đỉnh núi cao nhất của huyện Bình Liêu. Những ngày đầu đông, đến sống lưng khủng long, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu nơi đây. Bình Liêu hiện lên đẹp như bức tranh vẽ đa màu sắc với sự kết hợp hài hòa giữa nền xanh của núi đồi, màu chín vàng của những thửa ruộng bậc thang bao la cùng nền cỏ lau trắng xóa khắp cả một vùng trời. Đứng trên sống lưng khủng long nhìn xuống, bạn mới thực sự cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên để thấy mình thật nhỏ bé giữa đất trời bao la. Tự do mà thả hồn với những cơn gió vùng biên cương để quên đi hết những muộn phiền, bộn bề chốn thị thành tấp nập.

Thác Khe Vằn vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên

Cách trung tâm thị trấn khoảng 12km về phía Đông Nam, nằm “ẩn mình” trong lòng xã Húc Động, huyện Bình Liêu, thác Khe Vằn cũng là một điểm du lịch vô cùng hấp dẫn đối với những đôi chân thích xê dịch và khám phá. Con đường dẫn vào thác Khe Vằn uốn lượn như dải lụa trắng mềm mại bao lấy những ngôi nhà ven đồi, phía bên kia là những thửa ruộng bậc thang đổ dốc thoai thoải hứng tia nắng mặt trời len lỏi qua các tán rừng xanh, cùng vài chú trâu lững thững gặm cỏ khiến nhiều du khách đứng lắng để ngắm nhìn khung cảnh trữ tình, thơ mộng ấy. Vượt qua chiếc ván gỗ để qua suối là con đường đất quyện đá sỏi mấp mô, len lỏi qua những căn nhà của dân bản. Bạn sẽ thấy thích thú khi gặp được vài đứa trẻ miền núi với nụ cười thân thiện, gần gũi và không ngớt lời chào khi thấy những vị khách ghé qua. Nó như "sợi dây" níu chân du khách đến với con người bình dị, hiền hòa của mảnh đất miền biên giới Bình Liêu. Đi hết con đường mòn, thác Khe Vằn nằm giữa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ dần dần hiện ra. Thác cao khoảng 100m với 3 tầng nước đổ ào ào, bọt tung trắng xoá tạo nên âm thanh rì rào của vùng núi nơi biên cương. Bên dưới là hàng trăm hòn đá đủ kích thước to nhỏ, hình dáng khác nhau nằm ngẫu nhiên dưới lòng suối khiến dòng nước chảy phải nép mình qua từng phiến đá. Thác Khe Vằn mỗi mùa lại mang một sắc thái khác nhau. Mùa mưa, dòng nước tuôn chảy mạnh mẽ, đổ xuống chân núi đá tạo thành màn sương trắng xóa huyền ảo. Đến mùa khô, dòng nước trở nên ôn hòa và dịu dàng như những làn điệu ngọt ngào của người dân bản. Cả một khoảng rộng mênh mông nước dưới chân thác và vô vàn những phiến đá nhấp nhô với đủ kích cỡ, đan xen nhau chạy dọc bờ suối khiến dòng nước dội xuống từ trên thác bỗng chảy lững lờ, đẹp hiền hòa đến nao lòng người.

"Say" sắc hoa Sở ngày lễ hội

Ở Bình Liêu, mùa đông được gọi bởi một cái tên khác đó là mùa hoa Sở. Cứ vào tháng 12 hàng năm khi mùa đông về cũng là lúc những cánh rừng được khoắc lên mình một màu trắng tinh khôi của hoa sở, khiến người ta cứ ngỡ núi rừng nơi đây phủ đầy tuyết trắng. Mùa hoa Sở nở rộ đã phủ trằng vùng đồi núi Bình Liêu, tạo nên một hình ảnh có tỉnh biểu tượng của vùng đất này. Từ đấy mỗi độ đông đến hoa về Bình Liêu lại nhộn nhịp hơn bên Lễ hội hoa Sở được tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Lễ hội thường được tổ chức tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm nơi có hoa sở nở rộ nhất, đẹp nhất.

Lên Cao Ba Lanh chiêm ngưỡng "đá đàn trời"

Với độ cao 1.050m so với mực nước biển, Cao Ba Lanh là một điểm đến thích hợp với những ai thích khám phá, mạo hiểm. Đứng trên đỉnh Cao Ba Lanh, bạn có thể thu vào tầm mắt một không gian tuyệt đẹp, bao quát cả một vùng biên giới Việt - Trung, xa xa là lớp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cánh rừng màu xanh ngút ngàn. Trên đường lên đỉnh Cao Ba Lanh có một điểm dừng chân đó là ngôi nhà mái bằng được xây dựng kiên cố, nằm lưng chừng dốc, bên cạnh là một ngôi nhà sàn khá đẹp, bạn có thể vào đó ngồi nhờ nghỉ ngơi để đi tiếp và còn có cơ hội được xem quy trình chưng cất ra rượu Cao Ba Lanh, một loại rượu gạo nấu bằng men lá nổi tiếng của Bình Liêu. Một điều cũng khiến nhiều du khách háo hức khi lên đến đỉnh Cao Ba Lanh đó là “bãi đá thần”. Bãi đá có nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt, được gắn với truyền thuyết rằng ngày xưa, khi quân giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang cướp bóc, người dân gõ vào hòn đá ở bãi đá thần, phát ra tiếng vang lớn làm cho giặc khiếp sợ, hoảng loạn, bỏ chạy. Cùng với “bãi đá thần” trên đỉnh núi bạn còn thấy những chứng tích của một thời chiến tranh bảo vệ biên giới như: Giếng nước bộ đội sử dụng khi đóng quân trên đỉnh núi, bệ gạch mà chiến sĩ đứng chào cờ buổi sáng.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới